(Toquoc) - Cùng với việc ký quyết định dừng lớp bồi dưỡng sau ĐH của Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, Liên hiệp Khoa học SXTM và Hỗ trợ DN cũng hủy giấy Thông báo nhập học trái thẩm quyền và trả lại tiền cho học viên.
Không vì thu nhập mà đánh mất thương hiệu!
Trao đổi với phóng viên Tổ Quốc, ông Ngô Sỹ Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Vinh, thừa nhận, những sai phạm trong quá trình tổ chức liên kết đào tạo với Liên hiệp Khoa học Sản xuất thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp (viết tắt: Liên hiệp) đã làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và thương hiệu của Trường ĐH Vinh.
Ông Ngô Sỹ Tùng (trái): “Qua sự việc này, chúng tôi nhận ra rằng, uy tín và thương hiệu của ĐH Vinh mới là điều quan trọng.”. (Ảnh: T.A)
“Theo đó, tất cả các Giấy báo nhập học và Thông báo tuyển sinh mà Liên hiệp này đã ký, ban hành là trái với nội dung công văn số 133/ĐHV-SĐH của trường; đồng thời vi phạm quy chế tuyển sinh, đào tào, bồi dưỡng sau ĐH của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Vì vậy, ngay khi nhận được thông tin, Hiệu trưởng trường ĐH Vinh đã quyết định dừng ngay lớp học để làm rõ vấn đề.” - ông Tùng nói.
Được biết, trong công văn 133/ĐHV-SĐH, ĐH Vinh nêu điều kiện, các lớp bồi dưỡng sau ĐH chỉ được tiến hành khi giữa trường và Liên hiệp đã ký kết hợp đồng đào tạo. Thế nhưng, trên thực tế, trong khi hợp đồng chưa ký, nhưng không hiểu vì lý do gì ĐH Vinh vẫn vội vàng đưa giáo viên ra Hà Nội để mở lớp bồi dưỡng chuyên đề?
Về chi tiết này, ông Tùng cho biết, những chuyên đề nêu trên không phải là chương trình bồi dưỡng sau ĐH mà chỉ là những chuyên đề bổ túc kiến thức. Cụ thể, theo quy chế, để được tham gia khóa đào thạc sĩ ngành Quản lý giáo dục, học viên cần phải trải qua khóa bổ túc kiến thức về quản lý của ngành mà mình sẽ theo học…
Ở đây, mặc dù ông Tùng cố lập luận 3 chuyên đề trên không phải là chương trình bồi dưỡng sau ĐH để nói rằng trường minh không vi phạm, nhưng rõ ràng việc mở các lớp bồi dưỡng kiến thức này của ĐH Vinh tại Liên hiệp là không nằm ngoài mục đích hướng tới việc đào tạo thạc sĩ, trong khi mọi thủ tục cần thiết để liên kết đào tạo thạc sĩ giữa hai bên vẫn chưa được tiến hành.
Do vậy, trong trường hơp này, có thể đặt câu hỏi: Phải chăng vì lợi ích thu được từ khóa liên kết đào tạo này lớn, nên ĐH Vinh đã “quên” những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức đào tạo và đã phó mặc mọi chuyện để đối tác tự tung, tự tác dẫn tới sai phạm? - (PV). Ông Tùng nói: “Sự việc này thực sự là bài học kinh nghiệm đối với chúng tôi trong vấn đề liên kết đào tạo!”
Ngoài ra, ông Tùng còn cho biết: “Do muốn tạo công ăn việc làm cho giáo viên để tăng nguồn thu nhập nên trường đã tổ chức các liên kết đào tạo và cử giáo viên đi dạy một số nơi. Tuy nhiên, sau những gì vừa mới xảy ra, chúng tôi thấy rằng, uy tín và thương hiệu của ĐH Vinh mới là lớn và quan trọng.”
Tổng Giám đốc Liên hiệp thừa nhận sai phạm
Trong một diễn biến khác, mới đây, Liên hiệp cũng đã ra Quyết định hủy Giấy báo nhập học số 16/LHKH-HĐKH ngày 16/01/2009 do ông Trần Đức Hà ký ban hành; đồng thời ký Quyết định số 15/2009/QĐTC-LH kỷ luật cho ông này thôi việc.
Tiếp đó, Liên hiệp cũng đã hoàn trả lại tất cả số tiền mà trước đó đã thu của các học viên.
Cá nhân ông Đào Đình Huyên, Tổng Giám đốc Liên hiệp, trong một văn bản giải trình về vụ việc, cũng đã chính thức thừa nhận: “Sau sự việc này, tôi thấy trong đó có một phần trách nhiệm của bản thân, người đứng đầu cơ quan… Liên hiệp xin tiếp thu và tích cực xử lý, tránh để xảy ra những việc không tốt như báo chí nêu.”./.
No comments:
Post a Comment