Dạo này các cộng đồng mạng dậy sóng với câu hỏi ai là người thầy đúng nghĩa? Chúng ta có thể dễ hiểu và thông cảm với câu hỏi này. Bởi vì tư cách người thầy đang xuống cấp theo chiều hướng suy đồi của xã hội. Có nhiều người cùng nhận định "Internet là người thầy của cả nhân loại", một tư tưởng thoáng theo xu thế phát triển của công nghệ. Cũng nhiều người với tư tưởng bảo thủ, người thầy đúng nghĩa là người mà có cái hay hơn mình. Điều đó đồng nghĩa với nhận định "ai cũng là người thầy của mình". Vì "nhân vô thập toàn", nên ai cũng có cái hay và đồng thời có cái dở. Tuy nhiên, theo trường phái của tớ, người thầy đúng nghĩa chẳng thể là vật vô tri mà là một chủ thể sinh động. Do đó người thầy là người phải có vài điểm sau đây:
Người thầy cần có nhân cách tốt. Người thầy phải có đời sống cá nhân tốt. Tốt ở đây là vô chừng. Cái tối thiểu của nhân cách cá nhân tốt là không làm điều gì gây nguy hại đến mọi người. Trước khi làm việc gì, họ phải hiểu thấu đáo liệu việc làm của mình có làm tổn thương đến người khác. Một nhân cách tốt cũng được thể hiện qua việc luôn làm đúng với những gì gọi là chân lý. Rất nhiều người không dám vì sợ hoặc vì cả nể mà không dám nói thẳng sự thật. Thay vì nói thật, họ là nói theo kiểu vuốt đuôi làm đẹp lòng kẻ cả, sếp hoặc những người mà họ nhận một số lợi ích. Nhân cách đổ đốn như thế làm xấu đi rất nhiều hình ảnh trong sáng của người thầy và tệ hơn học trò lại học theo. Bởi vì cái xấu luôn ăn sâu vào tâm thức con người hơn là cái tốt. Tóm lại thầy giáo là một nghề khó và khổ. Bởi vì dạy nghề luôn luôn đi sau dạy làm người. Muốn dạy làm người được, thì người dạy phải là con người đúng nghĩa (nghĩa là họ có cần có đủ nhân cách tốt).
Người thầy là người truyền được cho học trò cái lối tư duy độc lập. Rất nhiều người làm công tác giảng dạy vẫn cứ nghĩ đơn thuần nghề giáo là nghề mà họ chỉ làm một việc đơn giản copy toàn bộ kiến thức họ đã học, đã biết và paste toàn bộ sang cho người học trò. Nhận thức về nghề như thế là lệch lạc và sai lầm về nghề giáo. Chính vì nhận định như thế, nhiều người cứ ngỡ internet là người thầy. Bởi đơn giản, cái gì mình thắc mắc cứ google một phát là có ngay câu trả lời. Một người thầy đúng nghĩa là phải đưa ra phương pháp giải quyết một vấn đề sau khi đặt vấn đề một cách hợp lý. Hơn thế nữa, sau khi đưa ra phương pháp, học trò còn được tích cực hóa bằng những gợi mở của người thầy, học trò có thể phát huy được sự sáng tạo để đưa ra những solutions. Với cách làm này, những solutions của học trò đôi khi lại còn nổi bật hơn cả cái solution của người thầy. Vì thế sức sáng tạo được phát huy và sự già cỗi của lối mòn bị xóa bỏ, triệt tiêu vĩnh viễn. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý, cách tích cực hóa và khả năng truyền đạt luôn luôn được trau dồi bởi người thầy. Không có việc gì mà tự nhiên có, người thầy cần cố gắng nỗ lực để tự nâng cấp mình trong việc này (dĩ nhiên, nhiều người có những kỹ năng bẩm sinh; ở đây, chúng ta chỉ đề cập đến tổng thể chứ không đề cập những cá biệt). Cũng lưu ý thêm, có nhiều vị thầy lợi dụng những kỹ năng và hiểu biết về chuyện thế sự (chuyện đời). Điều này chẳng có gì sai. Cái sai ở đây là sự quá lố. Cái gì cũng ở mức vừa phải nhằm tạo sự vui vẻ và tương tác (bởi sự hòa đồng cũng là cách để tìm hiểu tâm lý học trò). Những sự cố này xuất hiện rất nhiều trên báo chí những năm gần đây; ở đây, tớ không kể lại vì nó không có gì hay. Suy cho cùng, nghề giáo được so sánh với việc cho học trò cái cần câu và chỉ cách câu chứ hoàn toàn không đơn giản là cho cá (cá được so sánh với kiến thức).
Người thầy một chuyên môn ở mức độ nhất định phải hiểu sâu sắc kiến thức ở mức độ đó. Cũng có nhiều đồng nghiệp cứ cho rằng việc giảng dạy là an nhàn. Bởi vì họ cứ lôi ra những gì mình đã học cộng với kinh nghiệm dạy vài năm và tuôn ra trước học trò. Lúc đó, họ hoàn tất nhiệm vụ cao cả, làm thầy. Tớ bất ngờ, bất ngờ vì câu nói này không phải từ dân ngoại đạo mà là từ chính những người đứng chung hàng ngũ với mình. Theo tớ, nghề giáo là nghề rất khổ và chịu rất nhiều áp lực. Áp lực nặng nề nhất là mình luôn đặt ở tư thế người nổi trội nhất trước học trò. Muốn được như thế, người thầy không còn con đường nào khác là phải nghiên cứu. Chuyên môn của mình phải luôn luôn được nâng cao. Rất tiếc, với giáo dục hiện tại, cái gọi là nghiên cứu không được tôn trọng. Trong khi đó, người tham gia nghiên cứu phải trả những giá đắt. Nói thế, nhiều người cứ nói mình nói đao to búa lớn, hoặc là kẻ "không thích làm chuyện lớn mà chỉ thích làm lớn chuyện". Lấy một ví dụ đơn giản, trong những đợt phát động nghiên cứu khoa học, tiền hỗ trợ là "cafe nhỏ giọt", trong khi đó công sức và tiền đầu tư công trình là "tuôn như suối trào". Ở đây, tớ không kể những đề tài của vị chức sắc, những đề tài dồi dào tài chính mà kết quả chẳng thể bình. Nhiều chuyện khác nữa có thể liệt kê nhưng mất thời gian, có chuyện lớn với những khó khăn, có chuyện nhỏ nhặt nhưng gây bực mình không nhỏ (tớ có lần đề cập rồi, không nhắc lại). Cho nên tớ khẳng định, để trau dồi chuyên môn của mình, người thầy phải đánh đổi bằng cả "máu và nước mắt".
Người thầy là tấm gương sáng cho học trò trong việc nghiên cứu và đào sâu chuyên môn của chính mình đảm nhiệm. Những điều tớ trình bày ở ý trên cũng một phần mô tả cho ý này. Tuy nhiên, tớ liệt kê thêm về những gì tớ mắt thấy tai nghe ở xứ người. Trong cái xứ mà tụi tư bản giãy chết, rất nhiều giáo sư ăn ngủ tại nơi làm việc để "làm cho ra việc". Thậm chí, có nhiều vị sẵn sàng từ bỏ cái mối quan hệ thể hiện bằng hợp đồng vĩnh cữu, hôn nhân vợ-chồng, để họ có thể tiếp tục con đường họ chọn, nghề giáo. Nói như thế thì quá cực đoan. Tuy nhiên, chúng ta tạm lấy nó làm sự so sánh để rồi nghề giáo ở ta cố gắng thu hẹp sự khác biệt. Nếu được thế thì tớ tạm hài lòng và kết thúc ý này.
Người thầy phải có tấm lòng bao dung vị tha. Nhiều người cứ nghĩ tớ lạc đề khi nói chuyện này. Tấm gương của nhiều vị thầy đặc biệt ở những cấp dưới đại học luôn luôn thể hiện đâu đó điều này. Một người học trò có thể chưa hoàn thiện nhân cách vì nhiều tác động khác nhau. Cho nên, đôi lúc họ có những cách cư xử chưa đúng mực. Người thầy tốt thì họ phải hiểu, sửa và cảm thông với người học trò. Rất nhiều vị thầy đứng ở vị thế cao hơn học trò nhưng tư cách tiểu nhân, hận thù kẻ thấp và đeo cái gông hận thù này dai dẳng. Điều đó không chỉ hạ thấp nhân cách của chính người thầy mà còn mang một nỗi khổ tâm, mất ăn và mất ngủ.
Người thầy phải hiểu sâu sắc tâm lý của học trò, để từ đó có cách tác động và cảm nhận sự tương tác qua lại với học trò nhằm đạt mục đích cuối cùng là truyền đạt kiến thức đến học trò 100%. Ngày xưa, tớ có lần nói với vợ tớ điều này. Kết quả, tớ bị mắng té tát, có thể nói nôm na "lên bờ xuống ruộng". Quan niệm của vợ, tâm lý mà tớ cần hiểu là tâm lý của vợ chứ không phải của cô học trò nào kia. Haha. Nói đùa vậy thôi (nhưng chuyện bị mắng là có thật), ở đây tớ muốn lưu ý vài điều. Hình ảnh một người thầy đứng bục giảng huyên thuyên, học trò phía dưới gà gật (hình ảnh này có rất nhiều trong các trường) đều bắt nguồn từ sự thiếu tương tác giữa thầy-trò. Một trong những nguyên nhân ấy là việc thiếu hiểu biết tâm lý học trò của người thầy. Hiểu trò cần gì, người thầy cố đưa những điều liên hệ hoặc tìm ra đúng cái correlation giữa kiến thức và cái trò cần. Áp dụng được cái này cũng cần có kinh nghiệm. Nếu không chúng ta lại lặp lại hình ảnh cái gì làm quá thì nó lố (như kể trên). Cho nên, cái chuyện tớ bị mắng cũng đáng để suy nghĩ. Tuy nhiên, có một điều vui là vợ tớ, một đồng nghiệp cùng trường cuối cùng cũng đồng ý với tớ về quan niệm này.
Sẽ còn nhiều thứ để bàn thêm, tuy nhiên, tớ kết thúc ở đây. Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, 20-11-2012, tớ chúc tất cả những thầy cô của tớ, những thầy cô nói chung thật nhiều niềm vui và hạnh phúc.
Number of words: 2643
Number of words: 2643
No comments:
Post a Comment