Tình trạng hỗn loạn trong giáo dục ngày nay khiến cho mọi người nói chung và người học trò nói riêng lúng túng trong cách sống sao cho trọn đạo. Ở đây, những nguyên tắc đưa ra không phải là chuẩn mực từ những khuôn vàng thước ngọc của các tiền nhân đúc ra, mà là từ những suy nghĩ nhất thời của tớ. Tớ chia sẻ vì trong quan điểm cá nhân, tớ thấy cần và phải có ở mỗi học trò.
Người học trò luôn tôn trọng người thầy của mình. Người học trò nên nhớ câu "không thầy đố mày làm nên". Từ đó, người học trò luôn thể hiện sự kính trọng người thầy của mình. Trong chủ đề này, có nhiều vấn đề gây ra những rắc rối không chỉ người thầy mà còn ở cả học trò. Đơn cử, có những thầy trẻ mới ra trường làm trong công tác giảng dạy, khi đó tuổi chênh lệch của thầy và trò là rất thấp. Thậm chí, khi người thầy giảng dạy trong những lớp tại chức hoặc bổ túc, tuổi của thầy đôi khi ngang ngửa hoặc nhỏ hơn tuổi của người đi học. Nhiều thầy giáo bối rối trong cách ứng xử, từ đó cái mạch thông suốt để giảng bài bị cắt. Trong khi đó, nhiều học trò lớn tuổi lại tỏ vẻ coi thường, đại loại nó đáng tuổi con mình mà dạy gì được mình. Xin thưa, ở đây người thầy luôn giữ đúng tư thế của mình, và hoàn toàn có quyền áp đặt cách xưng hô (miễn sao người thầy thấy được, nghĩa là tạo sự hòa đồng). Còn người học trò phải ở tư thế của người phục tùng, nghĩa là chấp nhận phận học trò và phải gọi thầy với sự tôn kính. Đơn giản thôi, vì ở từng tuổi ấy mà mình vẫn chưa hoàn tất cái mức học cần thiết thì phải học. Mà một khi đã chọn vào lớp học, mình phải tự nhận thấy mình kém về tri thức của chính môn học đó so với thầy (dĩ nhiên, về kiến thức thế sự ngoài chương trình học của môn, mình có thể hơn thầy rất nhiều). Cho nên, có chuyện vui thế này, lúc đi giảng tại chức ở tỉnh, có bác làm công tác giảng dạy ở trường địa phương tham gia lớp học. Trong lúc uống "cafe cafáo" ở giờ giải lao, bác có hỏi bác nên gọi tớ bằng gì, vì con bác có vợ có con cả rồi (tớ lúc đó chưa vợ, mới ra trường rồi đi dạy). Tớ cười cười nói không cần suy nghĩ, bác nên gọi bằng mày. Haha. Cả nhóm cười ồ. Dứt tiếng cười, tớ mới nói. Bác nên hiểu, ra đường bác có thể gọi cháu bằng gì cũng được, cháu cũng gọi bác bằng gì cũng ok. Nhưng ít ra, trong giờ học, bác phải tôn trọng người thầy, bác phải gọi cho đúng. Chỉ có sự tôn kính, người được tôn kính mới hoàn toàn truyền trao kiến thức một cách gọn gàng. Thế nhiệm vụ dạy và học mới hoàn thành. Đó mới là mục tiêu chính, những cái râu ria cứ gạt qua một bên cho nhẹ đầu.
Người học trò luôn lấy sự học làm trọng tâm. Trong thời gian học, nhà trường luôn bố trí thời gian hợp lý nhằm học trò có thời gian tự học ngoài thời gian học trên lớp. Cụ thể, tỷ lệ thời gian tự học/học trên lớp là 4/1, chẳng hạn. Người học trò luôn tận dụng tối đa thời gian tự học. Có thể, học trò học trên thư viện hoặc học ở bạn bè đồng môn hay là học từ những người đi trước. Đặc biệt, những kiến thức hỗ trợ cho các môn học cần được trau dồi đầy đủ ở chính những giờ tự học này. Việc đề cập vấn đề này nhằm tái khẳng định: việc các học trò tranh thủ làm thêm kiếm tiền thậm chí làm giàu bằng cách "ăn gian" giờ tự học là sai nguyên tắc giáo dục. Chúng ta không nên cổ vũ những sai trái qua việc PR cho các bạn làm giàu ngay từ trên ghế nhà trường. Chuyện làm giàu nên dành cho thời điểm ra trường. Ngoài ra, việc lấy sự học làm trọng tâm giúp cho học trò toàn tâm toàn ý trong việc học. Thậm chí, nhiều học trò thông minh học ít hiểu nhiều, các học trò này cũng phải chăm chú lắng nghe. Tại vì, việc đọc nhiều lần sẽ ngộ ra nhiều điều mới sau mỗi lần đọc. Vậy tại sao chúng ta không thử? Hơn nữa, việc học nhiều lần càng làm cho mình thấy dở. Vì việc nhìn thoáng qua thì chưa hiểu hết vấn đề nên mình thấy dễ. Nhưng nếu mình càng đọc kỹ, mình lại phát hiện nhiều điều ngộ nhận ngớ ngẩn của mình về một vấn đề. Chính vì vậy, tại các nước phương Tây, việc điểm danh là một điều bắt buộc. Họ quan niệm, việc tham gia đầy đủ là thể hiện sự tôn trọng môn học và người thầy. Đó là một điều thú vị ở phương Tây, nơi mà quyền tự do của con người được đề cao. Nghĩa là quyền tự do được bảo vệ nhưng tự do phải trong khuôn khổ của luật.
Người học trò luôn thể hiện sự khát ngưỡng học tập. Như trình bày ở trên, việc lấy học làm trọng tâm giúp cho người học trò luôn có động cơ để tiếp thu toàn bộ kiến thức của môn học. Sự đam mê học tập được thể hiện qua việc chăm chú nghe thầy giảng, đặt câu hỏi để mở rộng vấn đề về kiến thức, thảo luận với bạn đồng học. Ngoài ra, học trò phải thường xuyên đọc sách tham khảo từ các thư viện hoặc từ các nguồn trên mạng internet. Điều đó giúp học trò bổ sung những kiến thức mở rộng mà thầy không giảng trên lớp vì nhiều nguyên nhân (không đủ thời gian, hoặc kiến thức thuộc dạng mở rộng chứ không phải kiến thức nền). Hơn nữa, học trò phải trau dồi các kỹ năng cơ bản để tiếp thu có hiệu quả. Người học trò thực sự chủ động và tích cực như trên sẽ luôn làm chủ trong vấn đề tiếp thu. Ngược lại, người học trò sẽ là người luôn chạy theo cái giảng giải trên lớp của thầy và tệ hơn nữa, người học luôn cảm thấy "đuối" (chới với) trong mỗi giờ giảng. Cái khó khăn lớn nhất là sự chới với càng được tích lũy và cuối cùng, những buổi cuối thực sự là thảm họa của trò. Cảm giác chán nản bắt đầu nảy sinh và là cội gốc của những rắc rối. Thậm chí, nhiều học trò trong cơn cùng cực làm những điều trái với đạo lý (chẳng hạn, đâm đơn kiện tụng nhằm gây sức ép cho thầy giảm khối lượng học, hoặc đút lót để thầy lộ đề, .v.v.). Những việc trên, tớ đã từng gặp ở tư cách người đi dạy. Xin kể ra một chuyện có thật. Ngày cuối cùng trên lớp, tớ ôn bài xong cho cả lớp và về. Một cậu học trò lẽo đẽo đi theo. Cậu kể hoàn cảnh là thi rớt liên tục môn này và xin thẳng là thầy cho em đậu. Tớ thẳng thừng là không. Cậu ấy nói một câu "thầy muốn gì?". Thú thật, mới ra trường, nghe câu này rất ớn, vì thời buổi giáo mác làm nên chuyện chứ chẳng phải kiến thức. Tớ rất điềm tĩnh, yêu cầu của em là sai hoàn toàn. Về phía em, học là vì kiến thức chứ, trong khi đó thầy dạy là truyền kiến thức. Em rớt nhiều là vì em chưa thực sự một lần đọc cho đàng hoàng những gì mình có trong tay. Cho nên, việc đi học nhiều lần cũng chưa bằng một lần. Em thử về giở ra đọc nghiêm túc một lần. Có thắc mắc, em cứ gọi thầy sẽ trả lời. Quan điểm của thầy, kiến thức không để đổi chác và cũng chẳng phải làm công cụ đánh đố học trò để đánh rớt. Thêm vài câu hỏi về hoàn cảnh, cái đầu nóng của học trò hạ nhiệt. Dăm câu ba sợi, mọi việc suông sẻ. Và từ đó, mình không gặp lại người theo hỏi xin điểm nữa!
Người học trò phải luôn phát triển nhân cách của mình. Học trò phải sống theo khuôn khổ của luật pháp. Trong đời sống xã hội, người học trò phải luôn thể hiện mình với tư cách là người có học. Mọi cư xử phải chừng mực. Dĩ nhiên, những việc lăng nhăng như sống thử sống chung chi đó phải loại bỏ. Bởi những rắc rối ngoài lề luôn là chủ đề chính làm suy giảm sự mất tập trung trong học tập. Ở đây, tớ đề cập đến tuổi trẻ, không đề cập đến mấy bác lớn tuổi.