Ngày 20-11, như thường lệ, ngày này nhằm tôn vinh cái cao quý của nghề giáo.
Những năm gần đây, văn hóa có xuống cấp, người dân trong đời thường chạy đua theo giá trị vật chất thấp hèn. Chúng ta dễ dàng cảm nhận điều đó qua nhiều kênh thông tin, qua phương tiện thông tin đại chúng, và qua những chuyện trực tiếp nhìn thấy ở xung quanh mình. Quả thật nhiều cảnh tượng còn đến mức rùng rợn mà không muốn nói nhiều nữa. Bởi vì, như ai đó đã nói, cái xấu đã tràn lan, anh có la làng lên thì cũng chẳng thể thay đổi gì, ngược lại anh còn được cho là "Chí Phèo". Nghịch lý là thế, giữa cái xấu, một người tốt gióng lên hồi chuông cảnh báo thì được quy về thằng Chí Phèo. Bởi lẽ, người gióng lên hồi chuông cũng là kẻ có tội. Vì anh gióng lên hồi chuông cảnh báo mà chẳng vạch ra một lối đi rõ ràng. Trong khi đó, đại đa số đang trong cơn mê lầm, mù mờ lối đi, lại càng hoảng loạn. Thế thì anh tốt là tội đồ nặng! Còn anh gọi là tốt kia thì không đủ tầm để vạch ra một lối đi được, nên đành bất lực trước cái xấu. Chính vì vậy, nhiều người chọn giải pháp khôn ngoan là im lặng.
Quay trở lại môi trường gọi là tinh hoa nhất, nghề giáo cũng không ngoài cái quỹ đạo lệch lạc ấy. Bởi lẽ, mối quan hệ tương quan giữa người với người là phức tạp. Nghề giáo cũng vậy, nó không thể bị đóng khung trong môi trường "sạch và đẹp". Nhiều người có thâm niên trong nghề giáo phát biểu một câu lạnh sống lưng: "Trong nghề này, tụi nó chơi nhau toàn ngón thâm hiểm". Dĩ nhiên, có nhiều chuỵên thâm cung bí sử, mà bản thân có chút hiểu biết. Tuy nhiên, ngày này không phải để liệt kê cái tận cùng đấy.
Như đã biết, nghề giáo là nghề có mức sống tồi tệ nhất của nước Việt Nam. Nhiều vị hay huyễn hoặc, họ vẽ vời đủ kiểu để chứng tỏ rằng làm giáo viên cũng thành đại gia. Họ nói rằng đi dạy ở trường là dư tiền để sống thoải mái. Điều này không có thật. Tiền dạy rất thấp, nếu dạy từ sáng tới tối, thì cũng không thể dư giả được. Chưa kể tiền thuốc thang chữa cái bệnh bất đắc dĩ, bệnh nghề nghiệp. Không đâu xa, nhìn lại các đồng nghiệp sẽ thấy nhiều người mắc bệnh vì lao tâm lao lực. Còn chuyện đi dạy nhiều, tui cũng là người có trải nghiệm. Không chỉ dạy trong trường, tui cũng từng cày cả ngoài trường, mà như đã biết các trường bên ngoài trả tiền cao hơn trong trường nhiều. Tuy nhiên, việc khẳng định dạy nhiều sẽ sống dư giả là không hợp lý. Còn các bác nói rằng, bên kỹ thuật, các bác làm nhiều bên ngoài với các dự án béo bở. Cái này hơi mắc cười, các bác đi dạy mà làm sao bằng tụi công ty làm thực sự. Tụi nó làm là vì sự sống còn của công ty, chẳng có công ty nào điên mà để các bác qua mặt chiếm các dự án tụi nó. Các bác muốn cạnh tranh với tụi nó, thì cũng đầu tắt mặt tối mà đấu. Cái này tui không lạ gì. Và dĩ nhiên, tui cũng từng vào và từng chứng kiến, nó không hề đơn giản như cách nghĩ và cách nói của các bác. Nói dông dài thế cũng đồng nghĩa với việc có một vài cách không chính danh khác để kiếm tiền.
Với hy vọng, mỗi lần đến ngày cao quý này, có đường nào để nghề giáo trở lại như xưa. Người giáo viên được đảm bảo sống bằng nghề, và những cách làm không chính danh kia giảm bớt. Lúc đó, nghề giáo mới thực sự là nghề cao quý.
No comments:
Post a Comment