"Dàn trận" kiểm tra học kỳ
16-12-2008 15:18:16 GMT +7
Bảo Anh (VietNamNet)
HS thích làm bài thi trắc nghiệm vì "nhanh - gọn - nhẹ", trường học hoặc là chờ chỉ đạo từ Sở GD-ĐT, hoặc chuẩn bị cả hai phương án. Bộ GD-ĐT không cấm thi trắc nghiệm nhưng cũng không khuyến khích. Đó là tình trạng chuẩn bị cho thi học kỳ 1 ở các trường phổ thông.
Trắc nghiệm Toán: Không thấy được tư duy học trò
Nữ sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ trong ngày khai giảng năm học 2008 - 2009. Ảnh: Bảo Anh
Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) kiểm tra cả trắc nghiệm và tự luận theo hình thức tập trung ở 3 khối lớp.
Cụ thể, các môn Văn, Toán, Sử, Địa khối 12 sẽ làm bài tự luận 100% và các môn Lý, Hóa, Sinh kiểm tra 100% trắc nghiệm. Đối với khối 10, 11, các môn trên sẽ kiểm tra theo hình thức 30% trắc nghiệm, 70% tự luận. Riêng môn tiếng Anh sẽ làm trắc nghiệm 100% ở cả 3 khối.
Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình cho biết, đề trắc nghiệm có tối thiểu 4 phiên bản, đề tự luận có 2 phiên bản.
Kiểm tra bằng tự luận đòi hỏi HS tư duy logic tốt hơn. Tuy nhiên, theo yêu cầu thi là trắc nghiệm nên trường phải kết hợp. Hơn nữa, trong quá trình học, kiểm tra 15 phút, 1 tiết, trường đã yêu cầu giáo viên phải kết hợp 2 hình thức này.
Khi kiểm tra, mỗi lớp sẽ chia thành 2 phòng, một phòng là HS khá trở lên và phòng kia là những HS còn lại.
Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội) chia 1.787 HS của 3 khối theo thứ tự A, B, C. Ông Trần Ngọc Năm, Phó hiệu trưởng cho biết, trường kiểm tra đề chung các môn đều theo hình thức tự luận theo thời gian 45 phút, riêng môn Văn, Toán là 60 phút.
"Rèn kỹ năng thi trắc nghiệm không mất nhiều thời gian mà chủ yếu rèn kiến thức", ông Năm nhấn mạnh. Thậm chí, năm trước, trường đã kiểm tra học kỳ môn Toán 100% trắc nghiệm; môn Văn 30%. Nhưng thi trắc nghiệm Toán thì tư duy của học trò không được bộc lộ.
Chờ chỉ đạo
Trường THPT Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) đang chờ chỉ đạo của Sở GD-ĐT về việc thi theo đề chung hay riêng. Tuy nhiên, nhà trường đã lên các phương án chuẩn bị để nếu không thi đề chung, trường đã có sẵn đề riêng.
Hiệu trưởng Cao Bạch Vân cho biết, nếu tổ chức riêng, trường sẽ kiểm tra 4 môn trắc nghiệm. Đây là nhu cầu của HS để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp cũng như tuyển sinh vào ĐH.
"Có thể HS thông minh sẽ giải được bài theo nhiều cách, nhưng HS trong trường đa số là mức trung bình, nếu bỏ qua không cho làm trắc nghiệm HS sẽ không biết cách làm", bà Vân giải thích.
Nhóm HS Trường THPT Việt Đức, HN cho biết, mục tiêu lớn nhất là vào ĐH nên hình thức thi tuyển như thế nào HS sẽ học theo như vậy.
Một số HS lớp 12 Trường THPT Quang Trung cho hay, phần lớn các em rất thích làm bài trắc nghiệm vì 3 tiêu chí: nhanh - gọn - nhẹ. Theo Nguyễn Thị Oanh, một số bài kiểm tra như Hóa 15 phút, 1 tiết cũng được làm trắc nghiệm.
Tăng tải
Không có trong yêu cầu thi trắc nghiệm nhưng thời gian và chương trình học Toán khiến cô Lê Thị Hà, giáo viên Toán, Trường THPT Quang Trung lo lắng. Theo cô Hà, chương trình Toán mới tăng thêm 2 chương (ở lớp 11, 12) nhưng cấu trúc đề thi không bỏ phần nào. Như vậy là tăng tải so với chương trình cũ và nặng với HS.
Hiện nay, vẫn chưa ôn tập kiểm tra học kỳ mà vẫn phải chạy theo đúng phân phối chương trình. Đầu vào trường thấp, với thời lượng hiện nay, HS không theo được, cô Hà nêu ý kiến.
Băn khoăn trước thực trạng HS học lệch, cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, giáo viên Địa lý (Trường THPT Việt Đức) nhận xét, HS học các môn phụ hoàn toàn đối phó để lấy thành tích nhất định. Những môn văn hóa như Sử, Địa ít được chú trọng nên sẽ hạn chế phông kiến thức của HS.
Ông Nguyễn Quốc Bình lo lắng, với HS lớp 12, đây là năm đầu tiên thi tốt nghiệp theo chương trình và SGK mới, nhiều kiến thức mới và khó. Dù đã được tập huấn nhưng việc nắm chắc kiến thức không phải mọi giáo viên đều làm được; việc đổi mới phương pháp dạy học cũng chưa được nhuần nhuyễn.
Bỏ lối mòn "thi gì, học nấy"
Theo ông Nguyễn Thành Kỳ, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội, bài kiểm tra cuối kỳ có hệ số cao, giúp HS cải thiện điểm số của môn học trong một học kỳ nên khá quan trọng. Tuy nhiên, không nên đặt quá cao vào hình thức trắc nghiệm vì ra đề, tráo đề không đơn giản. Còn thi trắc nghiệm mà chỉ có một mã đề duy nhất thì càng không ổn.
Do đó, có thể lồng ghép khoảng 20-30% nội dung trắc nghiệm để HS có thể làm quen.
Trước phản ánh của nhiều giáo viên về tình trạng "chỉ đạo thi học kỳ bằng tự luận nhưng thi ĐH lại có cả trắc nghiệm", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng không nên phụ thuộc lối mòn thi gì học nấy.
"Mỗi hình thức thi đều có ưu nhược điểm riêng, nên cần chọn hình thức thi hoặc kiểm tra phù hợp với mục đích của từng phần nội dung, từng môn học cũng như giai đoạn học", ông Hiển nói.
Kiểm tra học kỳ có ý nghĩa đối với việc rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời quá trình dạy học. Còn thi tốt nghiệp phổ thông chỉ có 1 lần cuối cấp trung học. Đây là kỳ thi toàn quốc, chủ yếu đánh giá kết quả học tập. Do đó, thi và kiểm tra không nhất thiết phải có kiến thức giống nhau.
Với bài kiểm tra học kỳ Bộ không cấm thi trắc nghiệm, nhưng cũng không khuyến khích.
No comments:
Post a Comment