Friday, June 25, 2010

Việt Trinh và hiện tại

Việt Trinh sẽ dạy con biết yêu thương người

Kiều nữ điện ảnh thập niên 90 tự nhận mình lạc hậu sau 3 năm vắng bóng. Vẫn khuôn mặt kiều diễm, đôi mắt gợi buồn, Việt Trinh tâm sự về đứa con trai hơn 2 tuổi cũng như cuộc sống thanh bình, nhàn nhã hiện tại.
> Việt Trinh tái xuất sau 3 năm vắng bóng

- Cuộc sống của chị hiện nay như thế nào?

- Cuộc sống của tôi bình dị, nhưng khó khăn hơn trước rất nhiều. Gần ba năm qua tôi không làm gì ra tiền, sống bằng tiền để dành. Chắc mọi người không tin, 3 năm rồi, tôi không sắm sửa gì mới. Khi trở lại, gặp đồng nghiệp, bạn bè, tôi phải hỏi từng địa chỉ mua sắm để mua trang phục lên sân khấu, đi dự tiệc. Sau 3 năm, tôi không có bộ quần áo nào phù hợp với thời trang hiện tại. Đến mức, tôi chẳng biết giờ đang chuộng mốt đầm lệch vai, không biết địa chỉ quán ăn hay tiệm cà phê nào.

Nói chung là tôi bị lạc hậu nhiều lắm. Có lẽ vì chỉ quanh quẩn với việc chăm sóc cái thai trong bụng nên tôi không màng đến cuộc sống bên ngoài. Sau khi sinh, có thời gian tôi ở trong nhà suốt hai tháng liền không ra ngoài chỉ để chăm sóc con.

Việt Trinh giản dị với trang phục quần tây, áo thun. Thời gian như không tác động vào nét kiều diễm trên gương mặt "người đẹp Tây Đô". Ảnh: Đức Quang.

- Ít giao thiệp ở ngoài ảnh hưởng thế nào đến việc mang thai rồi làm mẹ của chị?

- Niềm vui lớn nhất của tôi là được ở nhà chăm sóc con. Thật ra trong thời gian mang thai, tôi thường xuyên đi chùa lễ Phật, đi làm từ thiện ở những nơi xa xôi. Tôi nhớ lúc sắp sinh con mà tôi còn ở tận Bình Phước đến 12 giờ đêm mới về tới nhà. Trong lòng tôi lúc đó nghĩ không phải mình đi để lấy phước cho em bé, mà có gì đó liên quan đến tâm linh. Tôi mơ ước con mình khi lớn lên biết yêu thương mọi người, biết chia sẻ với người nghèo.

Tôi từng đọc trong sách y khoa biết rằng, thai nhi 4 - 5 tháng tuổi là đã biết cảm nhận thế giới bên ngoài. Tôi muốn tập cho con mình làm từ thiện ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Khi con trai chào đời, tôi đặt tên cho con là Thiện Nhân.

Tôi nghĩ đơn giản, con người cần có cái tâm thiện. Hồi còn trẻ tôi hay hình dung nếu có con mình sẽ đặt tên gì, cả trai hay gái. Nhưng đến lúc đi lễ Phật, tôi đã nghĩ ra cái tên này. Đó là cách nhắc nhở cho con tôi sau này trưởng thành phải chọn cho mình một hướng đi đúng.

- Chị có thể chia sẻ về bố của bé Thiện Nhân?

- Đây là điều tôi xin giữ riêng cho bản thân.

- Bé giống bố hay mẹ?

- Tôi thấy bé giống tôi cái mắt và cái miệng. Khi sinh ra, bé đã rất lanh lợi và có cảm nhận âm nhạc tốt. Có lẽ, trong thời gian mang thai tôi thường mở kinh cho bé nghe nên bé rất nhạy cảm với âm thanh.

- Gần 2 năm qua, việc sinh con của chị cũng gây nhiều lời xôn xao, bàn tán. Chị im lặng. Cảm giác của chị lúc đó thế nào?

- Hạnh phúc của người phụ nữ chính là thiên chức làm mẹ dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Một người phụ nữ ở trong tù khi sinh con, người mẹ đó cũng không bao giờ nghĩ là mình đang ở tù. Và dù có gặp hoàn cảnh đau khổ đến mức nào thì người phụ nữ đó vẫn cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất.

Thời gian qua, tôi sống trong hạnh phúc. Nhất là khi bé bắt đầu biết nói và cất tiếng gọi đầu đời "Mẹ, mẹ...". Tôi cảm thấy vô cùng vui sướng và mãn nguyện.

- Chị gặp khó khăn gì khi mang thai?

- Tất cả khó khăn, vui buồn trong cuộc sống này đều đi từ tâm mình ra. Trong thời gian có em bé, tôi chọn hướng đi từ thiện để lúc nào cũng vui và thoải mái. Đơn giản như hằng ngày trồng rau tại nhà. Tối đến, tôi cắm hoa dâng Phật, đọc kinh và nói chuyện với con trong bụng.

Khi vượt cạn, tôi được chạm vào con và thấy mình là người hạnh phúc nhất. Có con rồi, tôi mới cảm nhận được mình thương mẹ đến chừng nào. Khi con được 6 tháng tuổi, tôi bắt đầu ăn chay để cảm ơn tạo hóa đã ban cho mình đứa con kháu khỉnh.

Làm từ thiện giúp nữ diễn viên điện ảnh thanh thản trong  tâm. Việt Trinh cho biết, chị sẽ hướng dẫn con làm việc thiện khi được 4  - 5 tuổi. Ảnh: Quân Ngọc.
Việt Trinh đi thăm người già, trẻ em nghèo khó ở Chánh Phú Hòa (Bình Dương) hôm 15/6. Chị sẽ hướng dẫn con làm việc thiện khi bé lên 4 - 5 tuổi. Ảnh: Quân Ngọc.

- Chị sẽ dạy con thế nào?

- Tôi mơ ước con mình có nghề nghiệp đàng hoàng, giúp được nhiều người và phục vụ cho đời. Tôi sinh con không nghĩ là để nó lớn lên nuôi mẹ, càng không phải để mình đỡ cô đơn.

Mỗi lần bé đòi thứ gì, tôi không chiều theo ý bé. Tôi tập cho con mình hiểu không phải thứ gì muốn cũng có được, để bé quen và biết điều đó không tốt. Hiện nay, con tôi đã nói bập bẹ và biết đi. Tôi phải cảm ơn con mình vì từ khi có con tôi thấy yêu thương trẻ con nhiều hơn.

- Còn việc định hướng nghề cho bé sau này thì sao?

- Tất cả đều bắt nguồn từ cái nghiệp. Cái nghiệp của bé làm ca sĩ, làm diễn viên hay thầy giáo... đều đã định sẵn. Nếu tôi có ép thì cũng không thành. Mọi thứ điều tùy thuộc vào duyên của con.

- Với ý định quay lại điện ảnh, chị sẽ sắp xếp thời gian thế nào cho con mình?

- Tôi quay lại trở lại một phần vì nhớ nghề, một phần cũng vì kinh tế. Hai mẹ con cứ xài hoài mà không làm ra thì có núi tiền cũng không chịu nổi.

Thời gian ra ngoài, tôi nhờ người chăm sóc cho con, còn về đến nhà tôi sẽ dành hết thời gian cho bé, từ bữa ăn đến giấc ngủ. Tôi thích tự tay nấu ăn các bữa sáng, trưa, chiều, tối cho con dù có người giúp việc.

Trong lần trở lại này, Việt Trinh chia sẻ, chị nhận được rất nhiều giúp đỡ từ bạn bè. Người đẹp Diễm My, Kim Thoa lo cho chị từ trang phục đến mái tóc, cách trang điểm.... Ảnh: Dung Lâm.

- Sau khi sinh con, nhan sắc, vóc dáng của chị vẫn mặn mà. Bí quyết nào giúp chị giữ được thân hình cân đối?

- Lúc mang thai tôi nặng 72 kg. Sinh con xong thì giảm xuống còn 68 kg. Mọi người nhìn tôi sẽ không ra đâu.

Thật ra, tôi không muốn kiêng cữ để giữ vóc dáng. Đến khi có ý định đi làm trở lại, tôi mới thường xuyên tập thể dục và ăn kiêng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ dinh dưỡng. Tôi cũng thường xuyên ăn rau để giữ làn da mịn màng.

- Những dự định của chị trong thời gian tới?

- Hiện tôi cùng đồng nghiệp và các mạnh thường quân thực hiện những chuyến đi từ thiện giúp đỡ những người nghèo tại các tỉnh miền Đông Nam bộ. Sắp tới, tôi sẽ cùng một số người bạn thực hiện bộ phim nói về luật nhân quả với vai trò là đạo diễn. Nếu có vai nào hợp với mình, tôi cũng sẽ nhận lời tham gia diễn xuất trở lại.

* Ảnh: Việt Trinh nhiệt tình trả lời phỏng vấn

Dung Lâm

Wednesday, June 23, 2010

Khi anh nắm lấy tay em

Khi anh nắm lấy tay em từng chút, từng chút bình yên rón rén len nhẹ vào lòng. Từng giọt, từng giọt hạnh phúc ngọt ngào trôi vào miền thương miền nhớ trong tim em bé nhỏ theo từng ngón tay anh dịu dàng mà ấm áp… đến lạ…Khi anh nắm lấy tay em ,Em thôi không còn để những vẩn vơ lo âu làm vương sầu đôi mắt ướt, mềm mại cả tâm hồn với cảm giác được chở che. Khe tình cảm của em đâu có sâu nhưng tình anh quá nặng, êm đềm lèn qua khung cửa trái tim em… Cho một ngày, đầy ắp những tình yêu…Khi anh nắm lấy tay em, Một bước, hai bước… cả vạn bước chân em đi giữa trời giông bão, vẫn thấy trên cao mây trắng bình thản trôi và trời xanh ngập tràn ánh nắng trong ngần soi bóng em bên anh sóng sánh nghiêng nghiêng. Em biết là anh chẳng bao giờ để em lỡ nhịp, bởi từng bước em đi luôn có bàn tay anh nắm tay em… không rời…Khi anh nắm lấy tay em, Dải ngân hà như trải ra trước mắt em vô tận…. bừng sáng những vì sao lung linh soi đường cho anh dìu dắt em qua hết những ngày chông chênh. Đường em đi thênh thang vạn lối, lối tắt lối dài nào cũng có anh bên…Khi anh nắm lấy tay em, Em biết, có một trời yêu thương sâu vời vợi anh trao gửi cho em. Em biết, một cái nắm tay đôi khi em cần hơn muôn ngàn lời nói. Em hiểu ra rằng, chẳng chi sâu nặng bằng tình anh… Khi anh nắm lấy tay em, em khẽ bối rối khép hờ đôi mắt, rụt rè co tay nhè nhẹ, để anh mỉm cười, chẳng buông mà lại nắm chặt hơn…

Thursday, June 3, 2010

Giải pháp Phật giáo cho vấn đề suy đồi đạo đức

Giải pháp Phật giáo cho vấn đề suy đồi đạo đức

25/05/2010 00:27 (GMT+7)
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng
Khóa tu trong dịp đầu Xuân tại chùa Dhammakaya, Thái Lan

Suy đồi đạo đức và nguyên nhân

Một thực tế không thể phủ nhận trong bối cảnh xã hội hiện nay là hiện trạng suy giảm những chuẩn mực đạo đức căn bản. Các kênh truyền thông đã đầy ắp thông tin về những tình trạng: tham nhũng, mua chức bán quyền, đạo đức y tế xuống cấp, đạo đức giáo dục băng hoại, đạo đức kinh doanh thiếu vắng, thái độ cửa quyền trong các tổ chức, hành xử thô bạo giữa người với người, bạo lực học đường, các giá trị thiêng liêng bị xâm hại, và các mối quan hệ xã hội không được tôn trọng,…

Và đâu là nguyên nhân đưa đến sự suy thoái đạo đức trong đời sống cộng đồng hiện nay? Có nhiều ý kiến đưa ra cho vấn đề này: Hậu quả của chính sách giáo dục xem nhẹ đạo đức; các văn hóa ứng xử truyền thống đã không được coi trọng và tiếp nối trong một thời gian dài; xã hội chưa tạo ra được một nền tảng đạo đức văn hóa vững vàng, cân bằng với sự phát triển kinh tế, dẫn đến một đời sống hưởng thụ, ích kỷ; kỷ cương và giáo dục gia đình không được chú trọng; ảnh hưởng sâu nặng lối sống tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân của phương Tây;…

Nhìn từ Phật giáo, vấn đề suy đồi đạo đức hiện nay có thể tập trung vào những nguyên nhân sau: Con người đang dần đánh mất tính hổ thẹn, không tin nhân quả, thiếu lòng từ bi, chấp ngã quá sâu nặng, và thiếu chánh niệm. Những yếu tố này thường đan xen với nhau, và khi cùng nhau sinh khởi thì đưa đến một sự suy thoái đạo đức mang tính tổng thể.

Hổ thẹn, thuật ngữ Phật học là "tàm quý", một tâm thiện trong tâm lý học Phật giáo, là yếu tố không thể thiếu trong việc hoàn thiện nhân cách đạo đức và phát triển đời sống tâm linh. Tâm thiện này, theo Phật giáo, cần được nuôi dưỡng và phát triển một cách liên tục từ lúc còn ấu thơ cho đến khi trưởng thành và thậm chí đến tận cuối đời. Không biết hổ thẹn về những lỗi lầm và khuyết điểm của mình, chúng ta không thể tiến bộ được trong việc phát triển nhân cách cũng như trong con đường tu tập. Có hổ thẹn thì mới có thể sám hối những lỗi lầm cũ và cố gắng không tạo nên những lầm lỗi mới.

Xã hội hiện nay dường như có quá nhiều người không còn biết hổ thẹn. Người ta xả rác bừa bãi hết lần này đến lần khác, bởi vì họ không còn biết hổ thẹn với những việc làm đó. Người ta vặt hoa bẻ cành công khai bởi vì không còn biết hổ thẹn với những người xung quanh. Người ta lớn tiếng và hành xử thô lỗ ở nơi công cộng do vì không biết hổ thẹn với những hành vi gây phiền hà cho người khác. Tham nhũng, dối gạt, cửa quyền cũng đều do không biết hổ thẹn mà ra. Không biết hổ thẹn, có thể vì do không được giáo dục rằng, phải biết xấu hổ về những việc làm sai trái, nhưng cũng có thể đó là thái độ trơ lì với những việc làm được lặp đi lặp lại đến mức trở thành thói quen ngay nơi bản thân và ở những người xung quanh.

Tham nhũng có thể vì do không biết hổ thẹn, cũng có thể biết hổ thẹn nhưng lại do không tin nhân quả; không nghĩ rằng mình phải trả giá cho chính hành vi trộm cắp (tham nhũng) của mình, dù qua mặt được pháp luật. Bất hiếu vì không biết hổ thẹn, vì thiếu tình thương, nhưng cũng vì thiếu niềm tin vào luật nhân quả. Hành xử thô bạo nơi cửa chùa, bày bán đầy dẫy thịt muông thú ngay trong cửa chùa (ở một số điểm du lịch) bởi vì không biết xấu hổ, không hề nghĩ rằng những việc làm như vậy là xúc phạm đến những giá trị truyền thống thiêng liêng, nhưng đúng hơn hết là bất chấp luật nhân quả, không nghĩ rằng những việc làm như vậy sẽ tạo nên những tổn hại phước đức,… Nói tóm lại, nếu tin nhân quả, người ta sẽ không làm những việc xấu ác, và sẽ không có thái độ che đậy hành vi phi đạo đức của mình nhằm qua mặt sự kiểm soát của xã hội.

Tranh giành, chen lấn, thiếu nhường nhịn, thiếu tử tế trong lối hành xử của nhiều người hiện nay là những biểu hiện của thói ích kỷ, một khía cạnh của sự chấp ngã. Ai cũng chỉ biết đến mình, gia đình mình mà không hề hay biết gì đến những người xung quanh, dẫn đến hành vi coi nhẹ và bất chấp lợi ích và hạnh phúc của người khác. Hình như ít ai nghĩ rằng, trong mắt xích nhân quả, làm hại người cũng là đang làm hại mình.

Bạo lực học đường, tình trạng tội phạm gia tăng, những kiểu đánh đập và giết người vô cớ,… là những biểu hiện của tâm thức sân hận, thiếu từ bi, thiếu chánh niệm. Tình trạng phóng xe lạng lách, ẩu đả, bất chấp mạng sống của người đi đường cũng là biểu hiện của những tâm thức xấu ác này. Xã hội hiện nay có quá nhiều người mang tâm thức sân hận; và cũng có quá nhiều yếu tố làm tăng thêm tâm sân hận. Vũ trường, quán rượu được mở ra một cách dễ dàng và càng lúc càng nhiều, trong khi những nơi chốn đào luyện tinh thần và tâm thức lại không được phát triển tương xứng. Thật khó có thể hy vọng ở một người nghiêng ngả với thuốc lắc và rượu mạnh trong các vũ trường thâu đêm sẽ có được lời nói và hành xử tốt vào ngày hôm sau.

Thử tìm giải pháp từ Phật giáo

Phật giáo có những nguyên tắc đạo đức có thể giúp chuyển đổi con người và xã hội. Năm giới căn bản, mười điều thiện, tám con đường chân chính,… là những chuẩn mực sống, những nguyên tắc có thể được áp dụng cho cá nhân và cộng đồng, để chuyển đổi cá nhân và cộng đồng theo chiều hướng tốt. Nhưng ở đây, tôi không đi vào thảo luận về những nguyên tắc tu tập này, mà chỉ đề cập đến một vài khía cạnh Phật học khác mà theo tôi có thể được xem như là một giải pháp có thể ứng dụng cho việc giải quyết sự xuống dốc đạo đức của xã hội hiện nay.

Như đã nói ở trên, những nguyên nhân khiến chúng ta đánh mất đi sự tử tế trong ứng xử và sự suy thoái đạo đức là do không biết hổ thẹn, không tin nhân quả, thiếu lòng từ bi, chấp ngã và thiếu chánh niệm. Như vậy, giải pháp của Phật giáo được đặt ra ở đây là cần phát triển năm đặc tính: thái độ biết hổ thẹn, niềm tin nhân quả, lòng từ bi, tâm vô ngã và chánh niệm ở nơi mỗi người và trong cộng đồng. Mỗi người và cộng đồng cần được khuyến khích thực hành những điều này.

Lòng từ bi là mong muốn tất cả chúng sanh không còn đau khổ, và xa hơn là giúp đỡ họ vơi bớt những khổ đau. Lòng từ bi là một liệu pháp cho sự sân hận và ích kỷ đang hiện diện tràn lan trong xã hội hiện nay. Sân hận trong Phật giáo được hiểu bao gồm nhiều phương diện: ác tâm, giận dữ, ganh ghét, thù hận và sợ hãi. Và cũng chính từ đây nó dẫn đến những hành động gây khổ đau, bạo lực và hành xử hung bạo. Nhưng lòng từ bi chỉ thật sự có mặt khi sự chấp ngã được giảm thiểu. Nói cách khác, nếu sự chấp ngã còn quá sâu nặng, lòng từ bi thật sự khó được phát triển. Và có lòng từ bi thật sự, chúng ta mới không có những việc làm hại mình hại người.

Đức Phật dạy rằng, một việc làm được coi là thiện khi việc làm đó phải lợi mình lợi người. Và không chỉ ở nơi việc làm, ngay ở nơi ý nghĩ cũng không được phép khởi lên ác ý, muốn làm hại người khác: "Bậc Hiền trí, Ðại tuệ, không có nghĩ tự làm hại mình, không có nghĩ tự làm hại người, không có nghĩ tự mình làm hại cả hai, có suy nghĩ điều gì thời suy nghĩ lợi mình, lợi người, lợi cả hai, lợi toàn thể thế giới. Như vậy, này Tỳ kheo, là bậc Hiền trí, Ðại tuệ" (Kinh Tăng Chi Bộ IV, số 186).

Thường thì chánh niệm được xem như một nguyên tắc tu tập để đạt đến sự định tâm, là một pháp môn thiền tập. Nhưng thực hành chánh niệm cũng là đang thực hành đạo đức, nếu nhìn từ giáo lý Tam vô lậu học. Trong đời sống thực tế, để có được từ bi và thái độ sống vô ngã rất cần đến yếu tố chánh niệm. Có chánh niệm, chúng ta mới sáng suốt nhìn rõ những gì đang xảy ra trong tâm mình và xung quanh mình.

Khi chánh niệm không được thực tập, chúng ta không thể nhìn thấy được bản chất thực của các tư tưởng và cảm thọ. Khi quán chiếu gốc rễ và thấy được được bản chất thật của tri giác và cảm thọ, chúng ta sẽ thấy được tính vô thường, duyên sinh của hết thảy hiện tượng. Và cũng từ đây, chúng ta thấy được bản chất thật của cuộc đời và thân phận con người. Biết rõ hơn về bản thân là thấu hiểu rõ hơn về người khác. Có chánh niệm mới quán chiếu được tính vô ngã của con người. Thấy vô ngã không phải để thấy mình không còn gì, mà để nhận thấy rằng mình và người không hai. Khổ đau của người khác cũng là khổ đau của mình: "Bằng việc bảo vệ mình, chúng ta bảo vệ người khác; bằng việc bảo vệ người khác, chúng ta bảo vệ chính mình" (Kinh Tương Ưng 47, Satipatthana Samy, số 19).

Trong Phật giáo, lòng từ bi được xem như là một phẩm hạnh đạo đức; nhưng chánh niệm cũng có thể được xem như là một phẩm hạnh đạo đức. Việc cố ý gây khổ cho kẻ khác hẳn là do vì thiếu tình thương. Nhưng gây khổ cho người khác cũng vì không có chánh niệm. Xã hội hiện nay dường như có quá nhiều người đang thiếu "chánh niệm", không làm chủ được bản thân và dẫn đến làm khổ người khác.

Việc đào luyện tâm thức, từ bỏ những trạng thái tâm bất thiện và việc chuyển đổi những điều chưa tốt trong xã hội là một quy trình tương tác nội tại, biện chứng. Theo quan điểm của Phật giáo Đại thừa, mỗi người tìm kiếm sự giải thoát cho bản thân mình qua việc phụng sự người khác, và như vậy sự giải thoát của cá nhân không tách rời khỏi sự giải thoát của tất cả chúng sanh. Đạt đến Phật quả không chỉ là một tiến trình chuyển đổi cá nhân mà còn là một sự chuyển đổi xã hội. Một người thực hành những pháp môn tu tập là đang bước trên con đường thánh đạo tìm đến Phật quả, nhưng chính sự tu tập của vị ấy cũng trao tặng cho cuộc đời những giá trị đạo đức tốt đẹp, thiện lành.

Một xã hội tốt

Một xã hội tốt là xã hội nơi đó những yếu tố văn hóa và đạo đức được đề cao và tôn trọng. Phật giáo rõ ràng cung cấp cho xã hội những chuẩn mực đạo đức và có khả năng hướng con người đến những điều cao thượng. Chấp nhận Phật giáo và những giá trị đạo đức của Phật giáo là điều cần thiết trong việc cân bằng xã hội hiện nay.

Một xã hội tốt, theo Phật giáo, là phải giảm thiểu những yếu tố khổ đau cả về thể xác lẫn tinh thần, là xã hội mà những công dân được khuyến khích phát triển trí tuệ, nhận ra bản chất thực của con người và cuộc đời để vượt qua những nghiệp chướng cá nhân và xã hội. Phật giáo cung cấp cho xã hội những giá trị như từ bi, bình đẳng, bao dung, sự tương ái và tinh thần trách nhiệm. Những giá trị này giúp chuyển đổi cá nhân và xã hội theo chiều hướng tích cực.

Theo Đức Đạt-lai Lạt-ma, trách nhiệm phổ quát và một tấm lòng tốt là hai nguyên tắc căn bản giúp xây dựng một xã hội tốt. Có lòng từ bi, những cá nhân trong cộng đồng sẽ có những hành xử tử tế với nhau, biết giúp đỡ và thương yêu lẫn nhau. Với trách nhiệm phổ quát, mọi người sẽ không sa đà vào vấn đề đổ lỗi, và gây lỗi. Bất kỳ vấn đề chưa tốt nào của xã hội, mọi người cần thấy trách nhiệm và bổn phận của mình trong đó. Nhưng hẳn nhiên những người lãnh đạo phải có trách nhiệm lớn hơn.

Đức Phật dạy rằng, nếu những người lãnh đạo muốn dân chúng của họ hòa hợp, tạo nên một xã hội tốt, thì trước hết họ phải là một người tốt, chân thật và tạo được niềm tin nơi quần chúng. Một người lãnh đạo, ngoài tài năng, có lòng từ bi và có ý thức trách nhiệm, thì niềm tin của người dân đối với họ sẽ tăng trưởng. Lời khuyên của Ngài rất đơn giản: "Hãy làm một tấm gương về tính giản dị, không sống trong sự xa hoa, bởi vì nó sẽ tạo ra một rào cản giữa người cai trị và người bị trị. Những người lãnh đạo không thể có được sự tin tưởng và sự kính trọng của người dân nếu vị ấy không phải là một tấm gương tốt".

Sự hiện diện của tôn giáo trong xã hội là điều cần thiết theo quan điểm của Đức Phật về việc tạo ra một xã hội tốt. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, khi nói đến những nguyên tắc mà một xã hội cần trong việc duy trì sự ổn định của nó, Ngài có đề cập đến sự hiện diện thường xuyên của các Tăng sĩ ở trong cộng đồng, xem như một yếu tố không thể thiếu. Sự hiện diện của tôn giáo trong cộng đồng, theo quan điểm Phật giáo, góp phần tạo nên sự cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần.

Tuy nhiên, những Tăng sĩ hiện diện ở trong cộng đồng phải đảm nhiệm được chức năng chính của mình là đem lại cho dân chúng một đời sống đạo đức thiện lành và một đời sống tâm linh vững chãi. Thời Đức Phật, Tăng chúng với những quy định nghiêm ngặt dành cho họ, không hưởng thụ quá nhiều vật chất đến mức làm tổn hại đời sống của quần chúng, không tạo nên sự khó khăn cho dân chúng về mặt kinh tế. Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật khuyên các Tỳ kheo khi đi khất thực chỉ nên như một con ong hút mật hoa, không làm tổn hại bông hoa đó. Và hẳn nhiên, một vị Tăng sẽ không nhận được sự hỗ trợ và cúng dường của dân chúng nếu vị ấy vi phạm những chuẩn mực đạo đức dành cho mình.

Những giá trị đạo đức phải luôn được nuôi dưỡng và phát triển suốt theo cuộc đời của một con người. Sự hiện diện thường xuyên của tôn giáo trong một cộng đồng giúp duy trì những giá trị tâm linh và chuẩn mực đạo đức một cách liên tục trong cộng đồng đó. Người Phật tử học Nhân quả, Ngũ giới, Thập thiện, Bát chánh đạo, Lục độ ba-la-mật,… không phải chỉ một lần. Những chuẩn mực sống và tu tập này được lặp đi lặp lại mỗi ngày, trở thành một thứ hành trang, một lẽ sống không tách rời khỏi họ.

Đề cao một tôn giáo và giải pháp của nó cho những vấn đề xã hội không phải để cổ vũ mọi người nên theo hệ thống tín ngưỡng đó. Mà là, chúng ta không thể bỏ qua những giải pháp của một tôn giáo đối với những vấn đề xã hội khi những biện pháp xã hội không thể giải quyết rốt ráo được những vấn đề khủng hoảng đạo đức của xã hội đó. Dù tin hay không tin Phật giáo, chúng ta không nên từ chối những phương pháp chuyển đổi con người mà chúng có mặt trong hệ thống giáo lý vô cùng phong phú này.

Một xã hội chỉ trở nên tốt đẹp khi có nhiều cá thể sống hướng thượng; một cộng đồng chỉ có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực khi những cá nhân có sự thay đổi tích cực. Cải cách xã hội mà không có sự chuyển đổi cá nhân thì khó hy vọng đem lại sự tốt đẹp đích thực. Nói cách khác, phát triển đạo đức không chỉ là phát triển một tập hợp các quy phạm kiểm soát từ bên ngoài, mà trước hết cần phát triển sự nhận thức đạo đức và đào luyện tâm thức nơi mỗi con người. Đức Phật dạy rằng cuộc đời không thể được cải đổi nếu tâm người không được cải đổi. Đạo đức là nền tảng, là xương sống của một xã hội, do đó những giá trị đạo đức của tôn giáo cần phải được nhìn nhận để phát triển đúng mức trong việc phát triển một xã hội thịnh vượng.

Nghiệp Đức

Tuesday, June 1, 2010

Hòa Thượng Thích Thanh Từ - người vĩ đại của Phật giáo Việt Nam



Tóm lược hành trạng Hòa thượng Thiền sư

THÍCH THANH TỪ

[Hạ tải *.DOC]

Hòa thượng húy là Trần Hữu Phước, pháp danh Thích Thanh Từ, sau đổi lại húy là Trần Thanh Từ. Sinh ngày 24 tháng 07 năm Giáp Tý (1924), tại ấp Tích Khánh, làng Tích Thiện, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Vĩnh Long).

Thân phụ của Hòa thượng húy Trần Văn Mão, từ nhỏ theo nghiệp Nho, giữ nếp sống thanh bần. Cụ ông theo đạo Cao Đài, lập gia đình hơi muộn. Thân mẫu của Hòa thượng húy Nguyễn Thị Đủ quê làng Thiện Mỹ, dòng thanh bạch, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ. Cụ bà chân chất hiền lành, suốt đời tận tụy hi sinh vì chồng vì con.

Hòa thượng sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn nghèo túng, nhưng Người đã nổi bật những nét riêng từ thuở ấu thơ: trầm mặc, ít nói, thích đọc sách, có chí xuất trần và đặc biệt rất hiếu thảo với Cha Mẹ.

Khoảng năm 9 tuổi, nhân theo Cụ ông lên Mốp Văn, Long Xuyên thọ tang người Bác thứ ba, Hòa thượng được đến chùa Sân Tiên trên núi Ba Thê cúng cầu siêu cho Bác. Duyên xưa gặp lại, nghe tiếng chuông chùa ngân dài giữa khoảng thinh không cô tịch, Hòa thượng rúng động như có một nỗi niềm giao cảm tự bao giờ. Bất thần Người xuất khẩu thành thơ:

Non đảnh là nơi thú lắm ai,
Đó cảnh nhàn du của khách tài.
Tiếng mõ công phu người tỉnh giấc,
Chuông hồi văng vẳng quá bi ai!

Có thể nói rằng chí xuất trần của Hòa thượng nổi dậy kể từ đây.

Sớm chìm nổi theo dòng đời và nhất là sống trong thời loạn lạc, Hòa thượng càng thấm thía, càng đau xót nỗi thống khổ của con người. Chí xuất trần của Hòa thượng vì thế càng trở nên mãnh liệt hơn và Người luôn ôm ấp một tâm niệm: “Nếu tôi không thể làm một viên linh đơn cứu tất cả bệnh của chúng sanh, ít ra cũng là một viên thuốc bổ giúp cho người bớt khổ.”

Từ dạo đó trái nhân duyên đã chín muồi, cuộc đời của Hòa thượng rẽ sang một con đường sáng.

Ngày 15 tháng 07 năm Kỷ Sửu 1949, sau ba tháng công quả tại chùa Phật Quang, Hòa thượng được Tổ Thiện Hoa chánh thức cho xuất gia với pháp danh là Thanh Từ. Thế là ước nguyện của Người đã được thành tựu. Từ đây Hòa thượng siêng năng theo Tổ công phu bái sám, vừa học giáo lý, vừa dạy trẻ em. Ngoài ra còn phụ trông nom coi sóc mấy chục chú Tiểu trong chùa. Công việc tuy nhiều, song Hòa thượng luôn để tâm học Giáo điển.

Năm 1949-1950, Hòa thượng theo học lớp Sơ đẳng năm thứ ba tại Phật học đường Phật Quang.

Đến năm 1951, Hòa thượng bắt đầu học lên Trung đẳng.

Một khuya nọ, nhân đọc kinh Lăng Nghiêm đến chỗ Phật chỉ Tôn giả A-nan nhận ra Bản tâm chân thật của chính mình qua Tánh thấy, Tánh nghe, bất giác Hòa thượng xúc động rơi lệ. Phải chăng đây là dấu hiệu cho biết chủng duyên Phật pháp nhiều đời của Người đã bắt đầu nẩy mầm?

Cũng trong năm này chùa Phật Quang bị binh biến, Tổ Thiện Hoa phải dời Tăng chúng lên chùa Phước Hậu, Hòa thượng cũng được theo và thọ giới Sa-di tại đây do Tổ Khánh Anh làm Hòa thượng đàn đầu.

Năm 1953 Hòa thượng theo Bổn sư là Tổ Thiện Hoa lên Sài Gòn, tiếp tục học lớp Trung đẳng tại Phật học đường Nam Việt chùa Ấn Quang. Tại đây, Hòa thượng được thọ giới Cụ túc do Tổ Huệ Quang làm Hòa thượng đàn đầu.

Từ năm 1954-1959, Hòa thượng học Cao đẳng Phật học tại Phật học đường Nam Việt. Những vị đồng khóa cùng ra trường với Hòa thượng như quí ngài Huyền Vi, Thiền Định, Từ Thông...

Như vậy là ngót mười năm Hòa thượng đã trải qua hai năm Sơ đẳng, ba năm Trung đẳng, bốn năm Cao đẳng. Tốt nghiệp các lớp Phật học xong là đoạn đường Tăng sinh đã hoàn tất. Hòa thượng bước sang thời kỳ hóa đạo. Hòa thượng là một vị Giảng sư trong Giảng sư đoàn của ban Hoằng pháp, có uy tín lớn thời bấy giờ và được sự mến mộ của Phật tử xa gần.

Năm 1960-1964, Hòa thượng đã giữ những chức vụ trong Phật giáo:

  • Phó vụ trưởng Phật học vụ.

  • Vụ trưởng Phật học vụ.

  • Giáo sư kiêm Quản viện Phật học viện Huệ Nghiêm.

  • Giảng sư Viện đại học Vạn Hạnh và các Phật học đường Dược Sư, Từ Nghiêm,...

Sau lễ mãn khóa Cao Trung Chuyên khoa tại Huệ Nghiêm và Dược Sư, Hòa thượng thầm nghĩ với ngần ấy đóng góp cũng phần nào tạm đủ nói lên tấm lòng tri ân và báo ân của mình đối với Thầy Tổ rồi. Hòa thượng liền xin phép với Tổ Thiện Hoa được lui về núi ẩn tu. Chí đã quyết, Hòa thượng dằn lòng dứt áo ra đi, âm thầm một mình một bóng lên chốn non thâm.

Hòa thượng đã thật sự giã từ Phật học viện, giã từ phấn bảng với năm tháng miệt mài vì tứ chúng. Nhưng hai tiếng “Tăng Ni” vẫn xoáy sâu vào lòng Người, để sau này chút duyên “Thầy Trò” ấy lại gặp nhau và càng thêm son sắt trên đỉnh Tương Kỳ.

Tháng 04 năm 1966, Hòa thượng dựng Pháp Lạc thất trên núi Tương Kỳ, Vũng Tàu. Ngôi thất lá vuông vức bốn thước đơn sơ với bộ Đại Tạng Kinh, nhưng đã ấp ủ một Thiền tăng nghèo quyết nhận lại cho kỳ được hạt châu vô giá của chính mình.

Đến rằm tháng tư năm Mậu Thân, Hòa thượng tuyên bố nhập thất vô hạn định với lời kiên quyết: “Nếu đạo không sáng, thệ không ra thất.” Thế là cửa sài đôi cánh khép. Toàn thể môn nhân qui ngưỡng lên non một lòng mong đợi.

Tháng 07 năm 1968, Hòa thượng liễu đạt lý sắc không, thấu suốt thật tướng Bát-nhã. Từ con mắt Bát-nhã trông qua Tạng kinh, lời Phật, ý Tổ hoác toang thông thống. Giáo lý Đại thừa và thâm ý nhà Thiền đã được Hòa thượng khám phá từ công phu thiền định của Người.

Ngày 08 tháng 12 năm ấy, Hòa thượng tuyên bố ra thất giữa bao niềm hân hoan của Tăng Ni, Phật tử. Nước cam lồ từ đây rưới khắp, suối từ bi từ đây tuôn chảy. Pháp Lạc thất thật xứng đáng là linh hồn của dòng thiền Chân Không. Nơi đây, đánh dấu một giai đoạn chuyển mình, một bước ngoặc lớn trong cuộc đời tu của Hòa thượng. Hoài bão tu Thiền đã thai nghén bao năm trong thầm lặng đơn độc của Người, đến đây mới thật sự có điểm khởi phát và lớn dậy, để sau này Phật giáo Việt Nam vinh dự có một ngôi sao sáng mở ra trang Thiền sử Việt Nam rực rỡ huy hoàng vào cuối thế kỷ 20.

Hòa thượng đã từng nói: “Tôi là kẻ nợ của Tăng Ni và Phật tử. Ai biết đòi thì tôi trả trước, ai chưa biết đòi thì trả sau.” Suốt đời Ngài đều dốc hết sức mình lo cho Phật pháp, đặc biệt là làm sống lại Thiền tông đời Trần, tạo điều kiện cho Tăng Ni tu hành tiến bộ. Tăng Ni tu hành có tiến bộ thì Phật pháp mới còn và lớn mạnh được. Sự tu hành tiến bộ của Tăng Ni là niềm vui của Ngài. Ngài nói: “Hoài bão của Thầy đều gởi gắm hết vào sự nỗ lực tu tập của tụi con. Tăng Ni tu có niềm vui, sáng được việc lớn, đó là biết thương tưởng đến Thầy. Bằng ngược lại thì thật là Thầy chưa đủ phước để được vui trước khi nhắm mắt. Bởi vì nguyện vọng khôi phục Thiền tông Việt Nam, đặc biệt là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần của Thầy chưa thành tựu.”

Các Thiền viện sau đây chính thức được Hòa thượng thành lập, làm nơi giáo hóa và hướng dẫn tu hành:

  • Thiền viện Chân Không, núi Tương Kỳ - Vũng Tàu, thành lập vào tháng 04 năm 1971; dời về Thường Chiếu năm 1986, được phép tái thiết năm 1995.

  • Thiền viện Thường Chiếu, Long Thành - Đồng Nai, thành lập tháng 08 năm 1974.

  • Thiền viện Viên Chiếu, Long Thành - Đồng Nai, thành lập tháng 04 năm 1975.

  • Thiền viện Huệ Chiếu, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành lập tháng 04 năm 1979.

  • Thiền viện Linh Chiếu, Long Thành - Đồng Nai, thành lập tháng 02 năm 1980.

  • Thiền viện Phổ Chiếu, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành lập tháng 06 năm 1980.

  • Thiền viện Tịch Chiếu, Long Hải, thành lập tháng 07 năm 1987.

  • Thiền viện Liễu Đức, Long Thành - Đồng Nai.

  • Thiền viện Trúc Lâm, Đà Lạt - Lâm Đồng, thành lập tháng 04 năm 1993.

  • Chùa Lân - Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, 2002.

  • Thiền viện Tuệ Quang, Linh Trung, Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

  • Thiền viện Hương Hải, Long Thành - Đồng Nai.

  • Thiền viện Đạo Huệ, Long Thành - Đồng Nai.

  • Thiền viện Tuệ Thông, Long Thành - Đồng Nai.

  • Thiền viện Đại Đăng, Bonsall, California, Hoa Kỳ, thành lập năm 2001.

  • Thiền viện Quang Chiếu, Forthworth, Texas, Hoa Kỳ, thành lập năm 2000.

  • Thiền viện Bồ Đề, Boston, Hoa Kỳ, thành lập năm 2002.

  • Thiền viện Diệu Nhân, Sacramento, Hoa Kỳ, thành lập năm 2002.

  • Thiền tự Ngọc Chiếu, Garden Grove, California, Hoa Kỳ.

  • Thiền tự Vô Ưu, San Jose, California, Hoa Kỳ.

  • Thiền tự Đạo Viên, Québec, Gia Nã Đại, thành lập năm 2002.

  • Thiền tự Thường Lạc - Pháp.

  • Thiền tự Pháp Loa - Úc.

  • Thiền tự Hiện Quang - Úc.

  • Thiền tự Hỷ Xả - Úc.

  • Thiền viện Tiêu Dao - Úc.

  • Thiền tự Tuệ Căn - Úc.

Hòa thượng cũng đã góp sức trùng tu hai Tổ đình Phật Quang và Phước Hậu, Trà Ôn, Vĩnh Long.

Hòa thượng giảng và dịch rất nhiều bộ Kinh, Luận và Sử từ Hán văn sang Việt văn. Ngoài ra Hòa thượng còn giảng giải rất nhiều bài pháp phổ thông cho Tăng Ni và Phật tử.

Hòa thượng đã đi du hóa và thăm viếng các nước:

  • Cam-pu-chia (1956)

  • Ấn Độ, Tích Lan và Nhật Bản (1965)

  • Trung Quốc (1993)

  • Pháp (1994 - 2002)

  • Thụy Sĩ (1994)

  • Indonesia (1996)

  • Gia Nã Đại (1994 - 2002)

  • Hoa Kỳ (1994 - 2000 - 2001 - 2002)

  • Úc Châu (1996 - 2002).

Tổng số Phật tử phát tâm qui y trong và ngoài nước là 84860 người. Trong đó, trong nước là 75260 người, nước ngoài là 9600 người.

Lưu ý: chúng ta cần phân biệt rõ ràng Hòa Thượng Thích Thanh Từ khả kính với vị Thích Thanh Tứ, vị sư làm chính trị, trụ trì chùa Quán Sứ, đại biểu Quốc Hội, phó chủ tịch thường trực HĐTSGHPGVN.