Monday, April 21, 2014

Đôi điều về sự bình an

Nhân loại vốn dĩ chuộng sự yên bình nhưng oan nghiệt thay môi trường sống chúng ta luôn tiềm ẩn những bất ổn. Sự kiện gần nhất là chìm phà ở Hàn Quốc. Sự kiện khá bất ngờ với số lượng mất tích và tử vong khá cao (lên mấy trăm người). Dĩ nhiên, chúng ta rất buồn trước những tai nạn này và cầu cho những người mất được siêu thoát. Điều đáng buồn hơn, cảnh chửi bới và thậm chí đánh nhau giữa cảnh sát và người thân khiến cho sự căng thẳng tăng thêm. Lẽ ra, khắc phục sự cố là điều đặt lên cao nhất vào thời điểm này, ngược lại, tất cả làm cho vấn đề rối lại càng rối thêm. Trước đó khoảng 1 tháng, máy bay Malaysia đột ngột mất tích với hàng trăm người trên máy bay. Khó có thể diễn tả được niềm đau và nỗi buồn của người thân dẫu biết rằng đời là vô thường. Một lần nữa, mình cầu cho họ (những người xấu số trên chuyến bay định mệnh MH370) được về cõi Phật.

Sự vô thường trong đời người theo hướng tiêu cực như trên kể ra thì rất nhiều. Ngoài những tai nạn, có thể kể thêm ra là thiên tai như động đất, bão lụt .v.v. Tuy nhiên, những tai nạn ấy có thể từ sự vận động tự nhiên hoặc chịu tác động ít nhiều từ con người (*). Điều mình muốn quan tâm và đề cập ở đây là những biến cố mà chính bản thân con người chúng ta gây ra.

Như chúng ta biết, truyền thông loan tin xung đột khắp nơi trên thế giới như Ukraine, Venezuela, và tiềm ẩn xung đột biển Đông. Nguyên nhân vì đâu? Có lẽ tất cả nằm ở tính tham, sân, si, mạn, nghi và ác kiến của con người. Thay vì nói về vấn đề này, mình xin kể một câu chuyện về anh homeless boy ở Montreal, Canada.

Mình vốn là kẻ già chuyện và thích giao du. Đến độ, bạn mình từ sang đến hèn, nhưng những kẻ bần cùng (''chiếu dưới'') giao du với mình khá nhiều. Có lẽ mình hút thuốc và hay uống cafe nên cơ hội giao tiếp với những người trong "smoking community" khá nhiều. Trong mấy lần hút thuốc, anh homless boy này có xin thuốc mình. Lâu riết, anh lân la nói chuyện, từ đó mình hiểu và thông cảm những người như anh hơn. Chúng ta nên nhớ rằng, homeless boys ở Montreal đa số là có vấn đề về thần kinh và nghiện. Có rất nhiều người quậy tán loạn dưới metro hay trên đường phố, đến nỗi cảnh sát Montreal khá vất vả trong mấy cases này. Có nhiều vụ, cảnh sát đã nổ súng để khống chế và tử vong cũng có vài vụ. Do đó, nhiều người Canada coi khinh hoặc sợ những homeless boys.

Tuy nhiên, điều bất ngờ nhất là trong dịp lính Canada làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Afghanistan trở về, anh có gặp họ trong buổi đón tiếp (welcome back). Thấy cách nói chuyện của họ, mình mới biết anh ta cũng là một người lính và một người hiểu lính. Mình vẫn còn nhớ, anh thắc mắc không hiểu người dân ở nơi xung đột suy nghĩ gì mà gây hấn nhau để cho mình (lính Canada) phải đến can thiệp. Hậu quả là, tụi tao phải như vầy. Có lẽ nhiều người chưa hiểu "như vầy" là gì. Anh ta giải thích, thứ nhất lính làm nhiệm vụ ở đó có thể bị tỉa bất cứ lúc nào. Thứ hai, trong trường hợp chiến đấu, hạ gục đối phương là nỗi kinh hoàng của tao. Cùng tâm trạng ấy, rất nhiều người lính từ Afghanistan trở về đều bị vấn đề về tâm lý và nặng hơn là những trục trặc của não bộ (mental problems). Anh còn nói thêm, tháng 6 này anh cũng tham dự kỷ niệm thường niên của World War II.

Xin kể thêm về gia thế của người homeless boy này: mẹ là người Nhật, bố người Canada, anh trai là thương gia ở Bắc Kinh. Nhà của họ không nghèo, chính phủ Canada không phải vô tâm. Homeless boys được ở shelter, được cấp ăn/mặc từ chính phủ và nhóm thiện nguyện. Tuy nhiên, họ thích lang bạt thế. Chính phủ cũng chẳng thể bắt họ ở trong shelter hay quản chế họ vì các tổ chức nhân quyền luôn lớn tiếng trong những trường hợp này. Thậm chí, mấy lần mình bắt gặp cảnh: cảnh sát được gọi tới khi họ quậy, la ó (threaten other people), cảnh sát chỉ đứng thuyết phục cho đến khi họ bình tĩnh mà không hề làm lớn chuyện (ngoại trừ những trường hợp manh động, cảnh sát mới dùng đến súng bắn điện hay nổ súng). Theo mình biết, Canada có những chiến dịch ủng hộ những cựu chiến binh. Bởi người dân Canada hiểu rằng những người lính/từng là lính có thể hy sinh để bảo vệ sự yên bình cho cả Canada. Điều đó lý giải vì sao cảnh sát không dùng biện pháp mạnh trong trường hợp này.

Có thể nhiều người nghĩ rằng, mình lấy một mẫu lý tưởng để làm cơ sở lý luận. Xin thưa rằng, còn rất nhiều trường hợp khác, nhưng kể lê thê dài dòng thì không hay. Ở Montreal này, có rất nhiều chung cư là nơi cấp cho cựu chiến binh, ai quan tâm thì có thể đến những nơi này để tận mắt nhìn những hậu quả của chiến tranh. Cụ thể, trong một lần dạo bộ từ nhà xuống tận mall phía Angrignon, mình có bắt chuyện một vài cựu chiến binh già. Họ rất thân mật, họ đề nghị đổi thuốc lá hút (vì mình mang thuốc Việt nam sang). Mình cho họ luôn và không lấy thuốc họ (thực ra chẳng phải mình không nể họ, nhưng mình giữ personal rule là không hút thuốc người khác/lạ). Chủ đề nói vẫn là chiến tranh và hòa bình, văn hóa, tôn giáo và xung đột tôn giáo. Họ nói rất nhiều và rất hay. Trước mặt mình, họ như một nhà diễn thuyết với tài hùng biện và họ tuôn ra những lý luận sắc bén để bảo vệ quan điểm. Họ còn nói vanh vách các địa danh hải cảng của các nước châu Á, và thậm chí của Việt nam ta. Mặc dù họ không hề tham chiến ở chiến tranh Việt nam. Mình rối rít xin lỗi vì có lẽ các cụ biết nhiều hơn về quê hương mình. Tuy nhiên, cái hay cái đẹp đó chỉ tồn tại trong vòng 30 phút đầu. Thời gian còn lại, họ lại rơi vào trạng thái không còn tỉnh táo để nói chuyện. Như đã nói ở trên, những cựu chiến binh này cũng bị điều trị về tâm lý. Thực tình nói vậy không biết có xúc phạm họ không, nhưng đấy lại là sự thật đau lòng, là hậu quả không đáng có từ bất kỳ cuộc chiến nào. 

Hai ví dụ trên cho thấy cái hậu quả của những xung đột/chiến tranh mà cội gốc của nó là từ tính tham và sân si của con người mà ra. Đau lòng hơn, hậu quả không chỉ đến với hai kẻ đối đầu mà còn đến với kẻ thứ ba (lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới). Nhìn những kết cục ấy, mỗi người ở mọi tầng lớp chứ chẳng riêng gì giới chóp bu/chính trị gia biết tự ''dìm'' bản ngã/cái tôi và giảm lòng tham của mình xuống một chút, chắc chắn sự an lạc sẽ đến. Nói trắng ra, khi việc tôn vinh chủ nghĩa anh hùng lụi tàn thì thế giới sẽ bình an!

(*): Ở đây chúng ta nói theo nhãn quan của người ngoại đạo. Chứ thực ra, trong đạo Phật, những biến cố này là quả của nghiệp mà chính con người tạo ra.

Number of words: 2070