Monday, September 2, 2013

An cư kiết hạ - Việc ăn (phần 1)

Người tu sỹ (chư tăng ni trong chùa) khác với người tu ở thế gian (hay còn gọi nôm na là tu chợ). Chư tăng ni sống tách biệt với người ở thế gian, họ toàn tâm toàn ý và dốc hết sức để tinh tấn tu. Trong khi đó người đời thì luôn vướng bận bao chuyện. Chính vì vậy, với người đời, tu chính là sửa: Có sai thì có sửa, sai ít sửa ít - sai nhiều sửa nhiều. Cuối cùng, họ dần dần tốt lên!

Hôm nay, chủ đề bàn về 3 tháng an cư dành cho người tu ở ngoài đời. Trong 3 tháng này, người tu không được đi đâu xa ngoài phạm vi của mình ở và phải tinh tấn tu tập hơn. Lại phải nhắc, người tu ở thế gian có nhiều vấn đề phải đối mặt hơn các tu sỹ tu trong chùa. Ở thế gian, người tu không thể toàn tâm toàn ý cho việc tu tập vì họ còn vướng bận chuyện thế tục. Chính vì vậy tu với họ cốt là rèn thân tâm an lạc. Cho nên, người tu cần làm những việc sau đây.

Việc ăn (phần 1)

 
 (hình sưu tầm)

Với đời thường hàng ngày, ăn chay là chuyện nên làm. Tuy nhiên, lưu ý thực phẩm phải đủ dưỡng chất để tránh bệnh tật phát sinh. Ăn chay nghĩa là ăn đạm bạc. Rau quả là chính. Nhiều người lầm lẫn, ăn chay là chỉ ăn rau. Nếu ăn theo lối ấy, bệnh tật ắt phát sinh. Quả lại, người làm việc nghiên cứu, học hành, năng lượng tiêu hao rất nhiều. Ăn theo lối này, hao tâm tổn lực là hiển nhiên. Mà thân tâm không ổn, thì tâm chẳng thể tịnh. Vậy ăn chay thế nào là phù hợp với người tu trong thế gian?

Ăn chay là phải đảm bảo đủ ngũ cốc. Vì ăn rau cỏ thì chỉ có trâu bò mới phù hợp. Rất nhiều dưỡng chất tồn tại trong ngũ cốc. Nếu người ăn thiếu cốc loại thì chắc rằng người ấy sẽ xanh xao vàng vọt. Nghĩa là lượng hồng cầu không sinh đủ. Càng ăn rau nhiều thì người càng yếu đi. Nếu trường hợp mới ăn chay, họ chưa quen với hàm lượng ngũ cốc trong bữa ăn, thì họ phải bổ sung dưỡng chất của món ăn từ động vật bất tịnh. Món ăn bất tịnh ở đây là các sản phẩm được chế biến từ thịt hoặc các loại thịt làm sẵn hoặc các loài vật đã chết như tôm cá. Người tu không nên tự tay giết gà, vịt, heo (đang sống) .v.v. để lấy thịt cho bữa ăn. Nhắc lại, việc ăn không quan trọng, cái cốt yếu là thân tâm an lạc.

Ăn thịt có sao không? Chuyện ăn là chuyện nhỏ. Một lần nữa xin nhắc lại, tu ở đây trước hết là thân tâm an lạc. Tu để cho tính thiện trong người phát huy. Còn lỡ có ăn mặn thì cũng chẳng sao vì chúng ta vẫn là người tại thế chưa xuất gia. Tuy nhiên, nếu ăn mặn thì hạn chế sát sinh, ăn máu tươi (như tiết canh vịt chẳng hạn). Vấn đề nữa, khi ăn chúng ta không nên khởi nên tâm niệm sát sinh hại vật. Chúng ta đừng xem việc giết một con vật là niềm vui vì trước mắt chúng ta có một bữa ăn ngon. Hãy quan niệm đơn giản hơn: Ăn là để "trụ", để sức khỏe được đảm bảo. Từ đó, chúng ta tinh tấn hơn (minh mẫn) trên con đường tu tập.

Nhắc lại, chúng ta còn ở thế gian nên vướng bận rất nhiều chuyện đời. Xin dẫn ra một ví dụ để hiểu chuyện đời là chuyện gì:

Có lần, tui về quê với gia đình. Anh em quý nhau, họ cùng tổ chức tiệc. Và cái món không thể thiếu ở quê tui là tiết canh vịt. Mấy anh em quý thằng em ở xa về, họ cứ múc cho cái món tuyệt hảo của họ cho tui. Tui thường không ăn món này, nhưng anh em thì họ không biết. Tui cũng nếm để anh em trong nhà vui vẻ, rồi khéo léo từ chối vì ăn đã nhiều. Tàn tiệc thì mới nói thật. Vì cái cốt yếu là vui, mà vui là đã an lạc rồi. Nguyên buổi tui chỉ chú trọng vào các món rau quả và trái cây. Chứ ngay giữa buổi tiệc mà nói mình không ăn mặn thì đâm ra phiền hà. Vì anh em lo tiệc đãi đằng chu đáo cho em, nửa buổi họ lại chạy tung chạy tác kiếm cho mình cái món chay. Không khí lúc ấy mất vui. Cứ để cho tiệc diễn ra như bình thường, anh em vui vẻ. Đó là chuyện trong nhà, ngoài phố cũng lắm chuyện cần cách ứng xử. Cụ thể là những chuyện dưới đây.

Trong chuyện thường ngày cũng thế, có dịp anh em rủ đi thì mình cũng phải tham gia. Vấn đề sự có mặt làm vui vẻ mọi người. Có thể trong buổi ăn mình ăn ít các món "bất tịnh" hơn. Bia rượu thì khéo léo từ chối vì bệnh chẳng hạn. Còn lâm vào thế kẹt thì mình vẫn phải uống nhưng không phấn khích mà đi đến tận cùng. Người biết tu là thế! (Người phải tỉnh thì tâm mới tịnh!) Mình tham gia và mình vẫn ăn nhưng tâm của mình phải tịnh. Tâm tịnh nghĩa là vui nhưng không sa đà, ăn nhưng không hề có chút sát khí. Nói cách khác tịnh ở đây được hiểu là biết "dừng" đúng lúc!

Dĩ nhiên, trong những trường hợp có thể từ chối tham gia, mình phải quyết tâm từ chối!

Ăn phải đúng thời và đúng lượng. Hàng ngày, chúng ta ăn vừa đủ no, ăn phải đúng giờ. Bởi đôi lúc việc ăn nhiều trong một lần làm chúng ta mệt mỏi, hoặc ăn quá nhiều lần thì lại xao lãng việc tu.

 (hình sưu tầm)

Trong bài nhắc đi nhắc lại nhiều lần việc ăn không quan trọng. Vậy tại sao chúng ta không ăn mặn luôn đi, cớ gì phải ăn chay? Cái gì cũng phải có lý do chính đáng của nó. Khi chúng ta ăn mặn, chúng ta phải lôi con vật đang sống ra giết, rồi lấy thịt để ăn. Chính cái hành động giết một con vật là mang tội. Chúng ta giết con vật một vài lần thì cái tính "sát" tự dưng đi vào người. Lúc đó, tính thiện dần mất và tính ác dần trỗi dậy. Cho nên, ở một góc nhìn nào đó, sát sinh hại vật làm cho tâm ta bất tịnh. Mà đã bất tịnh thì chúng ta chẳng thể an lạc chút nào.

P/S: - Bài viết mang tính tổng kết lại những gì mình đã làm.
       - Người viết không phải là Phật tử, cũng không theo tôn giáo nào. Cái chính là người viết thấy những gì trong Phật giáo hay mà áp dụng.
        - Kinh nghiệm chia sẻ là pháp tu dành cho người ngoài đời. Chính vì vậy phần 1 - việc ăn được đưa lên đầu.
        - Phần 2 là nói về "hành pháp" trong quá trình tu tập mùa an cư kiết hạ: Trong đó, mình nói về cách hành thiền, niệm Phật, hành thiện, cách cư xử ngoài xã hội (lời ăn tiếng nói).

1898 words 5598 characters