Thursday, May 30, 2013

Kinh quán vô lượng thọ - TT Thích Nhật Từ

Quán Vô Lượng Thọ kinh (zh. 觀無量壽經, sa. Amitāyurdhyāna Sūtra) là một trong ba bộ kinh quan trọng nhất của Tịnh độ tông (*). Kinh miêu tả thế giới phương Tây của Phật A-di-đà và dạy cách hành trì: sống thanh tịnh, giữ giới luật và niệm danh hiệu Phật A-di-đà, hành giả thoát khỏi các nghiệp bất thiện và được tái sinh nơi Tịnh độ của A-di-đà.

Kinh này chỉ rõ quá trình phát sinh giáo pháp của Tịnh độ tông và thật ra đã được đức Phật lịch sử Thích-ca trình bày. Tương truyền rằng, hoàng hậu Vi-đề-hi, mẹ của vua A-xà-thế, bị con mình bắt hạ ngục cùng với chồng là vua Tần-bà-sa-la (sa., pi. bimbisāra). Bà nhất tâm cầu nguyện Phật và khi Phật hiện đến, bà xin tái sinh nơi một cõi yên lành hạnh phúc. Phật dùng thần lực cho bà thấy mọi thế giới tịnh độ, cuối cùng bà chọn cõi Cực lạc của A-di-đà. Phật dạy cho bà phép thiền định để được tái sinh nơi cõi đó. Phép thiền định này gồm 16 phép quán tưởng, và tuỳ theo nghiệp lực của chúng sinh, các phép này có thể giúp tái sinh vào một trong chín cấp bậc của Tịnh độ.

Mười sáu phép quán tưởng đó là: quán mặt trời lặn; quán nước; quán đáy sông; quán cây cối; quán nước cam lộ; quán thế giới thực vật; quán nước và đáy nước; quán toà sen; quán ba báo thân của ba vị thánh A-di-đà, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí; quán ba ứng thân của Phật A-di-đà; của Quán Thế Âm; của Đại Thế Chí; quán A-di-đà trong Tịnh độ; quán ba vị thánh trong Tịnh độ; quán cấp thượng căn trong Tịnh độ; quán cấp trung căn và hạ căn trong Tịnh độ. Các phép quán này giúp hành giả có thể thấy được A-di-đà và hai vị Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí ngay trong đời này và đó là dấu hiệu chắc chắn hành giả sẽ được tái sinh về Tịnh độ.
(Source)

Kinh Quán vô lượng thọ là một trong ba kinh được đề cập nhiều nhất của tịnh độ tông. Tuy nhiên, ở Trung Hoa, nó là một bộ kinh gây ảnh hưởng lớn trong quần chúng về tín ngưỡng Di đà. Và kinh này được dịch vào triều đại Lưu Tống, do Khương Lương Da Sá dịch (Kalayacas). 

Nhân duyên thuyết giảng kinh nầy là Đức Phật nhân cơ hội bà Vi Đề Hy (Vaidehi) thỉnh cầu. Trước cảnh đời "bạc như vôi" mà bà chứng kiến, cảnh con trai là thái tử A xà thế (Ajtacatra) hành hạ cha đẻ và bỏ ông ấy vào ngục tù đói lạnh, không ai thăm viếng, kể cả bà cũng bị nghiêm cấm, nên bà đã rất thất vọng, mong nhờ đức Phật khai mở lối thoát. Đức Thế Tôn đã rất xúc động trước tình cảnh ấy của hoàng hậu Vaidehi, nên ngài đã dạy cho bà niệm Phật A di đà để được vãng sanh về thế giới Cực lạc. 

Và Đức Phật dạy rằng: nếu ai muốn sanh về thế giới Cực lạc của đức Phật A di đà thì phải thực hành ba việc sau: 

- Phải làm lành bằng cách chu toàn bổn phận của người chồng, người mẹ, người vợ, người dâu, tức phải biết hiếu dưỡng.
- Làm lành bằng cách thọ trì Tam quy, ngũ giới, bát quan trai giới, thập thiện giới,...
- Làm lành bằng cách thực tập Tứ diệu đế, cũng như trong các buổi giảng pháp, đọc kinh điển đại thừa, khuyên người tu hạnh tinh tiến. 

Lại nữa, kinh Quán vô lượng thọ, còn đưa ra 16 phương pháp quán tưởng về mặt trời. quán tưởng nước, đất, cây cối, toà sen, sắc tướng, .v.v... 

Trong 16 phép quán nầy kết hợp với chín phẩm vãng sanh, gồm: ba bậc thượng phẩm vãng sanh, ba bậc trung phẩm vãng sanh, và ba bậc hạ phẩm vãng sanh. 

Muốn được vãng sanh về thượng phẩm thì chúng ta phải từ tâm, không sát hại, nghiêm trì giới hạnh, tụng đọc các kinh Phương đẳng đại thừa, tu hành Lục niệm[8], hồi hướng phát nguyện vãng sanh Tịnh độ gọi là thượng phẩm thượng sanh. Như không đọc các kinh Phương đẳng đại thừa mà hiểu được "đệ nhất nghĩa đế", tin tưởng sâu sắc vào luật nhân quả, không phỉ báng đại thừa gọi là thượng phẩm trung sanh. Như nếu phát khởi đạo tâm vô thượng, tin nhân quả không phỉ báng đại thừa, tức là thượng phẩm hạ sinh. Ba bậc nầy thuộc về thượng phẩm vãng sanh. 

Đối với hạng người tu hành giữ giới cấm, không tạo tội ngũ nghịch, không mắc phạm sai lầm, gọi là trung phẩm thượng sanh. Nếu một ngày một đêm trì giới thanh tịnh (bát quan trai giới), gọi là trung phẩm trung sanh. Còn nếu hạng người chưa thọ giới, nhưng luôn luôn biết hiếu dưỡng cha mẹ, thực hiện nhân từ trong thế gian, khi sắp lâm chung, nghe thấy y báo, chánh báo trang nghiêm của đức Phật A di đà, phát nguyện vãng sanh, gọi là trung phẩm hạ sanh. Đó là ba bậc thuộc trung phẩm vãng sanh. 

Còn lại ba phẩm thuộc hạ sanh, là chỉ cho hạng người thiện ác lẫn lộn. Nếu họ gây ác nghiệp, nhưng không bài báng kinh điển đại thừa, hạng này được hạ phẩm thượng sanh. Đối với hạng huỷ phạm giới luật, ăn trộm tài sản của tăng, thuyết pháp bất tịnh như vì danh dự, lợi dưỡng, địa vị mà thuyết pháp, gọi là hạng hạ phẩm hạ sanh. 

Trên đây là tóm tắt đại ý của kinh quán vô lượng thọ mà đức Phật đã dạy nhân vụ việc của hoàng hậu Vi đề hy.
(Source: ĐƯỜNG VỀ QUÊ HƯƠNG TỊNH ĐỘ - Thích Vân Pháp)


(Youtube)
(*) Ba quyển kinh được xem là các kinh căn bản và phổ biến nhất: kinh vô lượng thọ, kinh quán vô lượng thọ và kinh A di đà tiểu bản.

Thursday, May 23, 2013

Một góc nhìn về chuyến thăm Việt Nam của Nick Vujicic

Một chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa của người Việt thể hiện qua sự kiện xôn xao mấy ngày qua, chuyến viếng thăm Việt Nam của Nick Vujicic. Đó là xài tri thức thì phải trả tiền. Dalai Lama thuyết giảng vẫn lấy tiền và lấy tiền với giá cao ngất trời. Đó là sự công bằng. Cái đáng nói là người thừa hưởng cái lợi có được hay chưa. Giả sử, các bạn nghe xong một câu gì đó của người nổi tiếng, bỗng nhiên ngộ ra và học tập. Thế là thành công rồi!

Nhiều người phàn nàn tiền khá cao cho chuyến thăm. Ước gì người Việt xài hàng Việt thì lợi cả đôi đường. Tuy nhiên, "Bụt nhà không thiêng". Nhiều câu nói hằng ngày ta vẫn nghe từ những người xung quanh, nhưng mức độ thẩm thấu là rất bé, nếu không muốn nói rằng là zero (nghĩa là ta nghe theo kiểu "nước chảy lá môn"). Ấy thế, một người nổi tiếng và có chút "Tây" nói gì ta cũng nghe, tin và hiểu như lời vàng ngọc. Không đâu xa, tớ xa con lâu ngày. Về nhà, con quý, thế nên cái gì ba nói ra cũng hơn mẹ gấp ngàn lần! (con nó nghĩ thế). Mặc dù, ba chẳng có nói gì khác ngoài những gì mẹ vẫn hằng ngày ra rả dạy cho con. Vậy đứng ở một khía cạnh nào đó, việc mang một người mà tiếng nói mang trọng lượng khá lớn (gọi nôm na là nói lớn nhờ uy) không ít thì nhiều cũng làm lay động để rồi tạo chuyển biến trong từng con người.

Việc chúng ta đứng ra chống lại cái hô hào của truyền thông vô hình dung làm chặn mất sự chứng ngộ bất thình lình của ai đó (*). Đó chính là việc tạo nghiệp, mà là nghiệp xấu nhé! Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy "càng hào hứng đón nhận, càng chóng lãng quên". Hãy lắng lòng để nghe chính mình, các bạn à! Giả sử các bạn nghe xong, ngồi lại suy ngẫm cái hay cái đẹp thì nó hay biết mấy. Cho nên, hãy xem hãy nghe với một tâm bình, chúng ta sẽ gạn lọc được nhiều điều lý thú. Bằng ngược lại, chúng ta cứ xô bồ lu loa đến độ lời vàng thước ngọc còn không nghe rõ, thì trước sau gì bi kịch cũng gõ cửa cuộc đời. Đáng mừng là sự đón tiếp chừng mực không giống như các "biến cố cuồng thần tượng sao Hàn".

Việc rước Nick Vujicic sang Việt Nam được ví như bổ sung món ngon cho bữa ăn tinh thần dân Việt. Món ngon vừa đủ thì khỏe người và tri túc, nhưng nó thừa thãi quá đâm ra gây tác dụng ngược. Chúng ta sống ở thế giới hiện tại, nơi mà có quá nhiều thần tượng. Chúng ta thần tượng để làm điều hay thì cứ gì mà ta phải tiếc để bay bổng. Tuy nhiên, điều đáng sợ là chúng ta lúc thì thần tượng người này khi thì đu dây điện cho hợp với thần tượng khác. Cứ với cái đà như vậy, chúng ta chẳng sớm thì muộn cũng trở thành kẻ cuồng theo một hướng tiêu cực nào đó. Đại loại, ta đang học hành đàng hoàng, bỗng dưng bỏ học cho giống Bill Gates hoặc Steven Job.

Vậy nên nói việc rước Nick Vujicic, người có nghị lực sống phi thường, để mua vui hay phí hoài công sức là chưa đúng. Trong một chừng mực nào đó, việc này cũng góp phần tạo ra một vài chuyển biến tích cực. Hãy làm một việc đơn giản "nhìn đâu cũng thấy "Phật", để tâm luôn nghĩ Phật"(**). Bởi một sự vật hay hiện tượng nó chẳng có đúng hay chẳng có sai, mà cái đúng/sai đó là do tâm mình nghĩ: Kẻ thấy ma sự là do đầu luôn chứa tà ma ngoại đạo, ngược lại người luôn tưởng nghĩ Phật thì luôn thấy Phật sự.

(*) Vì đời là vô thường, ai biết được điều gì sẽ xảy ra, hay tương lai sẽ thế nào?
(**) Câu này là nói ngược cho vui. Đúng ra tâm sáng trong thì luôn nhìn thấy sự trong sáng đâu đó trong cái bao trùm tăm tối. Thế nên, tớ mới nói việc gạn lọc ở trên.
Number of words: 1134