Wednesday, February 27, 2013

Nhật ký vú em



Sáng sớm 5h, lọ mọ dậy, tớ chuẩn bị đồ để học tiếng Pháp online. Leo lên gác, lập bập được dăm chữ "bonjour", "merci", ... 7h kém, vợ dậy đưa đứa lớn đi học và đi dạy. Trước khi đi, vợ nhắn một câu xanh rờn "hôm nay là ngày đầy khó khăn đối với ba". Bởi vì, một mình tớ phải take care đứa nhỏ. Để vợ an lòng, mình hứa sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đảng và nhà nước giao phó. Vợ vừa quảy giỏ đi làm, tớ vội đưa võng thật mạnh cho con, rồi leo lên gác học tiếp. Cũng may, lớp hôm nay kết thúc sớm. Vừa "au revoir" một phát, tớ liền leo xuống với con.


Bé nhỏ cũng chưa ngủ dậy, tớ làm một phút chợp mắt. Vừa kéo võng đưa con, vừa ngủ, bỗng nghe tiếng thì thào bên tai, tớ mở mắt dậy. Trời ơi, con nó leo xuống võng hồi nào mà mình chẳng hay. Ta nói cái nghề nuôi trẻ là nghề mà tớ xếp vào hạng super bét. Haha.

Con trẻ dậy mà chẳng có mẹ ở nhà; vả lại, con dậy mà cha chẳng hay. Cho nên đến lúc mình thức, bé tủi nên khóc thét. Ta nói nghe, 72 phép biến hóa của Tề Thiên Đại Thánh, ta làm một mạch trong chưa đầy 5 phút, bé vẫn khóc mà là khóc càng dữ hơn nghe ông. Bà con láng giềng của mình cũng tốt, họ chạy đến dỗ giùm. Cũng may, bà Hai chạy sang. Bà nói ba lấy cho con cái quần cho bà mang về rửa mặt và thay đồ cho con. Ta nói thiệt, lúc đó ngàn cân được trút xuống vai. Haiza.

Tuy nhiên, với quyết tâm cao độ, cộng với cái "miêu" có sẵn trong đầu, ba mới lọ mọ lên gác lấy chiếc xe đẩy con nít xuống. Với cái tài lẻ dụ con nít, ta qua dắt con về khoe chiếc xe. Bé thích ngay. Ba chêm vào con đi chơi với ba. Thế là, bé vào mang túi xách, xách mũ và mang dép sẵn sàng. Mới có một chiêu, mà ta đã làm ngon ăn ngay. 

Lòng vòng hết cái khu phố của làng đại học Thủ Đức, ta nói tay xách, tay đẩy và miệng hát. Bé rất vui. Trưa lên, ta phải về. Một lát, mẹ về và cả nhà kéo vào quán cafe ăn trưa. Vẫn thế, trước khi đi dạy, mẹ dặn "ba ráng tới chiều, bà ngoại sẽ lên". Ba hạ quyết tâm để quán triệt tư tưởng lần cuối nhưng vẫn câu nói "u như kỹ".

Mẹ vừa đi, thì ba cũng tay xách, nách mang con về. Để cho con ngủ, ba phải vận dụng cả binh pháp Tôn Tử để hạ quyết tâm trận này sẽ thắng. Ta nói nghe, vạn lý trường thành của Tàu nó sao, ta xây y chang vậy. Vòng trong cùng, ba đặt mèo Kitty, gấu Misa và cả con gấu lớn, gấu bé nằm lúc nhúc, bé thì nằm giữa. Vòng ngoài, ta đặt 4 cái gối thật lớn bao quanh. Vòng ngoài cùng, ta "tấn" một mớ khăn để đảm bảo không xê dịch đi đâu. Nhìn từ trên cao, ba thấy rất là ok. Thế nhưng, câu xưa văng vẳng bên tai, đại loại là "Thiên la địa võng". Nghĩa là, dưới đất, trận địa thì ok, nhưng trên trời mình chưa bố trí gì cả. Vậy là ba phải móc cái "miêu" của mình: ba mở ngay đĩa DVD trên đầu tủ. Em bé Xuân Mai hôm nay rất dễ thương với nào là "Con cò bé bé", "Happy birthday to you", ...

Tay pha bình sữa cho con, nhưng đầu thì tin chắc: thế nào uống xong bình sữa, con sẽ "phè" một giấc tới lúc bà ngoại lên. Nào ngờ, "thiên bất dung gian". Trong vòng 30 phút, bao nhiêu thứ mà ba kỳ công thiết lập bị văng tung tóe. Xuân Mai nhảy thế nào, con cũng làm theo thế ấy và thậm chí còn hơn thế nữa. Ta nói nghe, gối mềm bay tùm lum.

Chưa hết, chán trò, bé lăn ra khóc. Mà con nít khóc là đi kèm với tè. Ba luống cuống ẵm vào bathroom để tắm cho bé. Vừa xong, bé đu cái tủ lạnh đòi kẹo và khóc thét. Đưa vội kẹo cho con, ba dụ con ra ngoài xem bé Xuân Mai hát. Nín thinh, bé đi ra, ba mừng húm. Bỗng nghe cái thịch, con té. Thì ra lúc vội, ba quẳng áo quần con lên chỗ con đái, bé đi ra dẫm phải nên ... té. Chụp vội bình sữa pha sẵn khi nãy cho con (rất cẩn thận, khi bé uống hết là ba pha sẵn 1 bình để backup), bé chẳng chịu và la làng. Ôm chạy lòng vòng không thể ngưng được bé khóc, "miêu" cũng vừa hết. 

May thay, Phật bà xuất hiện cứu con. Bà ngoại cũng vừa về đến nhà. Ta nói nghe, nhà mà có ngoại nó êm ru. Bà bồng cháu lên võng, chưa đầy một phút, con gái ngủ ngon lành.



Vậy cho nên tớ mới kết luận một điều như sau: Sau này, ta lãnh cái bằng PhD, hoặc ta sao ra 1 chục bản, đóng khung thật đẹp cho vợ đeo từ trên cổ xuống; hoặc ta phóng lớn 1 chục lần cho vợ. Bởi vì, cái mà ta đeo đuổi và bỏ công sức bấy lâu không bằng sự gánh chịu của người phụ nữ, dù chỉ 1 ngày!

Sunday, February 24, 2013

Những chuyện loanh quanh ngày tết

Trước hết, tối hôm qua, một tiếng nổ lớn tại căn nhà đối diện chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn đã làm sập 3 căn nhà, tước đi 10 mạng sống và làm trọng thương 3 người. Đó là tin buồn. Tớ cũng chia buồn với những gia đình này. Cần nói thêm rằng, căn nhà phát nổ là của ông Lê Minh Phương, biệt danh "Phương khói lửa", giám đốc công ty Lạc Việt (công ty chuyên làm phim và hiệu ứng trong phim trường). Nghe lại câu đúc kết trong dân gian "sinh nghề tử nghiệp" sao thấy đắng cay!

Nghe tiếng thét (đọc trên báo) và tiếng khóc than (chiều nay trên đường về từ sân bay Tân Sơn Nhất, tớ đi ngang đoạn này), bất chợt tớ liên tưởng đến lễ hội chém lợn ở miền Bắc (nó có vẻ đối nghịch với chuyện ở trên). Xin thưa rằng, tớ không mang "sắc màu" kỳ thị ở đây, chuyện tớ nói hoàn toàn khách quan. Hình ảnh vung đao chém đứt đôi con lợn giữa tiếng hò reo đầy phấn khích của dân làng. Máu lợn văng tung tóe, kèm theo là dòng người ùa vào bôi máu lợn vào tiền để lấy may đầu năm. Những cảnh đó trông thật dã man, và nói cho ngắn gọn là ác. Đáng nói là người dân chọn cái ác để cầu may. Thật là bất phúc cho người Việt! Bởi cái ác không chỉ đơn giản ở hành động mà còn ngấm vào trong tư tưởng "hành ác cầu lành".

Những ngày đầu năm cũng là dịp phát ấn đền Trần. Chuyện mà năm nào cũng có là giẫm đạp lên nhau cốt để dành ấn. Người Việt vốn dĩ thích mong cầu từ đấng tối cao nào đó ban phát. Đây cũng chính là một nhược điểm làm cho người Việt xấu xí đi. Theo thiển ý của tớ, đó chính là sự mê tín đến cực đoan. Chúng ta cần loại trừ cái tâm ý đó ngay. Một phản biện đơn giản thôi, đó là chúng ta nếu có xin/rước ấn thì chúng ta muốn mong cầu sự yên lành và phát đạt trong năm đó. Tuy nhiên, chúng ta giành giật thì cái tâm của chúng ta đã không an rồi. Đã thế, người ngoài nhìn vào chẳng ai nói là xin ấn mà là "cướp ấn". Hehe. Có khi nào thằng ăn cướp mà được yên lành đâu?

Cũng trong những ngày đầu năm, tớ đi hầu hết các chùa. Việc đi chùa của tớ cốt chẳng để cầu điều gì. Cái chính là tớ thích cái sự yên tĩnh và không gian thoáng đãng nơi chùa chiền. Hơn nữa, tớ đi chùa thì vợ, con, anh, em và cháu cũng đi. Tớ cũng mong những người thân năng đến những nơi chùa chiền để tâm thanh tịnh. Cho nên, vào chùa, tớ chỉ đi loanh quanh chùa còn những người đi cùng thì cứ vào lễ bái hay cầu khấn tùy thích. Chính việc đi loanh quanh này, tớ có dịp quan sát một số hoạt động của khách hành hương. Đầu tiên, sau khi lễ bái xong, khách đến vuốt áo của Phật Bà Quan Âm rồi vuốt vào mặt của mình để cầu điều may mắn. Nhìn hình ảnh này, tớ thấy có cái gì không ổn. Thứ nhất, bản thân trụ trì của chùa cho phép mặc cái áo vải cho Phật Bà (tượng nằm ngoài trời) là không hay, vì hình thức giống cải lương. Thứ hai, cái cách làm của các vị khách kia mang dấu ấn của mê tín và hơi mất vệ sinh. Việc đi chùa cốt để tâm an chứ chẳng phải mong cầu. Bởi mong cầu cho đã, mà phước duyên chẳng đặng, chúng ta cũng chẳng được gì. Còn thử tưởng tượng, khách đi từ xa đến, tay chân chưa chắc gì đã sạch, thế nên cái hành động như trên là không phù hợp chút nào. Việc thứ hai mà tớ muốn nói là việc xin xăm và bói quẻ đầu năm ngay tại chùa. Việc này tớ từng nói là đi ngược với truyền thống của nhà Phật. Đã thế, chính việc này mới đẻ ra chuyện: Đi chùa thì phải chọn chùa linh. Từ đó, mê tín dị đoan lại có cơ hội bộc phát. Hệ lụy là Phật giáo bị mang tiếng là một giáo phái mê tín dị đoan. Tớ từng tai nghe mắt thấy tại chùa Thanh Lương, An Hải, Tuy An. Chùa này có một tượng Phật từ biển trôi vào và do đó được đánh giá là linh thiêng số 1 ở Phú Yên. Vào chùa ngày mồng 7 tết, cảnh người nối tiếp nhau ken đặt chánh điện để ... xin xăm khiến tôi thấy tội cho vị Phật bị trôi vào vùng đất này!!! Bởi không có vị Phật nào muốn như thế. Ngày lễ tết, chí ít, vị trụ trì cũng phải có bài pháp giảng dạy cho các Phật tử để hướng kẻ tu đi theo chánh pháp. Đằng này thì ...

Theo truyền thống từ trước đến giờ của riêng tớ, ngày tết thì tớ chỉ nhậu vào đúng buổi giao thừa. Ngoài ngày này ra, một cốc rượu hay một ly bia tớ cũng từ chối. Lý do rất đơn giản. Nhậu là đi kèm với mồi. Mà mồi là từ các loại động vật (chẳng có ai ngồi nhậu với rau, tương chao và đậu hũ cả!). Có nghĩa là nhậu là đi kèm với sát sinh (trực tiếp hoặc gián tiếp). Đó chính là điều tớ không thích. Tớ chỉ thích ăn rau cỏ thôi! Nhờ vậy, cả nhà tớ tiêu thụ một lượng lớn rau của Tuy Hòa. Giá cả rau rẻ mạt. Vài đồng là cả mớ!

Ngày hôm nay là rằm tháng giêng và cũng là Tết Nguyên Tiêu. Ngày này nếu được xem những hoạt động tích cực thì nó là ngày đẹp. Bởi Phú Yên có truyền thống tổ chức hội thơ ngay tại đỉnh núi Nhạn (hội ). Đây là nơi giao lưu của các thế hệ nhà thơ và các nhà thơ của Phú Yên nói riêng và các nhà thơ cả nước nói chung. Ai là con dân của đất Phú đều không thể nào quên ngày này, dù họ có lưu lạc ở phương trời xa lạ nào. Chúng ta có quyền tự hào về mảnh đất yêu thơ Phú Yên, vì trong khi cả nước có ngày hội thơ thứ 11 thì Phú Yên kỷ niệm ngày hội thơ thứ 33.

Vài dòng như trên để liệt kê vài chuyện mà tớ đã làm và đã gặp. Viết ra để rút tỉa và suy ngẫm. Thế thôi!

Monday, February 11, 2013

Xuân 2013