Saturday, April 16, 2011

Âm nhạc Phật giáo: Chữ “tình” bao dung và nhân hậu

Âm nhạc Phật giáo: Chữ “tình” bao dung và nhân hậu

Âm nhạc Phật giáo: Chữ “tình” bao dung và nhân hậu 
 
 
 
[+] Click vào để xem hình lớn

Đại đức Thích Tâm Hải, chùa Hoằng Pháp (TP.HCM) đã trao đổi với tạp chí Âm nhạc Việt Nam, xoay quanh kế hoạch đưa các nội dung âm nhạc vào các sinh hoạt cộng động gia đình Phật tử, cũng như các chương trình ngoại khóa mùa hè.
Ý tưởng hay…
Đại đức Thích Tâm Hải vừa cho ra mắt CD “Khi tình thương có mặt”, gồm 9 bài hát do chính mình là tác giả. Cả 9 bài hát được nhận xét là phảng phất chung một chất dân ca trữ tình. Không phải là những nhạc phẩm thuần túy về tôn giáo, mà ở đó người nghe có thể tìm thấy những hàng dừa xanh, những con đò qua lại, những nụ cười, bao ánh mắt thân quen. Người nghe cũng có thể bắt gặp trong ca khúc hình ảnh cảm động về người mẹ già, năm tháng vò võ trong căn nhà vắng dưới quê xa, chờ người con từ lâu bôn ba làm khách tha phương nơi chân trời viễn xứ…
“Ca khúc chuyên chở tình người, thấm đượm nồng ấm của tình cha, nghĩa mẹ; những ca khúc mà ở đó thông điệp muốn gửi gắm rằng chúng ta hãy tập sống bao dung, thương yêu và độ lượng. Giai điệu du dương, ca từ gần gũi đời thường sẽ có tác dụng làm người nghe dễ thấm thía và dễ có được sự chia sẻ hơn. Chính điều đó cho thấy nếu như tạp chí Âm nhạc Việt Nam có nhã ý muốn góp thêm công sức vào phổ biến kiến thức âm nhạc trong vấn đề này, tôi tin sẽ nhận được sự ủng hộ của mọi người. Đây là một ý kiến hay!”.
Đại đức Thích Tâm Hải, giải thích thêm là CD “Khi tình thương có mặt” cũng nhằm chuyển tải đến người nghe những lời nhắn nhủ yêu thương “rất đời” chứ không hẳn mang màu sắc ca khúc tôn giáo.
Chữ tình…
Theo Đại đức Thích Tâm Hải, triết lý nhà Phật thấm sâu trong tâm hồn, trong tư tưởng với những xúc cảm giữa đời thường đã được những nhạc sĩ nghiệp dư gửi gắm trong những ca khúc của mình. Điều đó thể hiện qua cái nhìn về cuộc đời, về con người, về tình yêu. Được mất là lẽ thường, không có gì tồn tại mãi mãi và cũng đừng ảo tưởng về sự bất biến của lòng người.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chính là một đại diện chia sẻ dòng tư tưởng ấy . Trong gia tài ca khúc để lại, có thể thấy rằng tình thương mến ấy của nhạc sĩ họ Trịnh như bao trùm lên cả khoảng cách của sự chia xa, của nỗi đau ẩn giấu trong tâm hồn để Ru em dù đã chia xa. Ru em tình nghĩa vu vơ. Yêu em yêu thêm tình phụ. Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ (Ru em). Em và tình như đóa hoa vô thường nên cho dù đã chờ ở kiếp trước, đã hẹn ở kiếp này nhưng chia xa vẫn không thể tránh khỏi. Tình đến, tình rộ rồi tình tàn lụi, héo rữa và chết đi cũng là chu trình “Thành, trụ, hoại, không” như đời người “Sinh, lão, bệnh, tử”.
Mất đi để đầu thai kiếp khác. Tình chết đi để tái sinh cuộc tình mới. Cái còn thì chẳng còn, cái mất thì chẳng mất. Tình cũng như thế giới này, sinh sinh diệt diệt, biến chuyển không ngừng. Đã là quy luật thì cưỡng lại sao lời cảm tạ: Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời đã đưa em về chốn này (Tạ ơn); hãy cùng bước đi cho bình minh đang tới, cho đời chút ơn biết tà áo nọ. Em là đóa hoa cho đời sắc hương, là lời hát ca cho trần gian (Cho đời chút ơn) và Em đã cho tôi, cho tôi bầu trời. Em đã cho tôi thêm yêu loài người (Em đã cho tôi bầu trời).
Dòng chảy âm thanh ấy, như của Trịnh hôm qua, của những nhạc sĩ nghiệp dư như Đại đức Thích Tâm Hải hôm nay, có lẽ cũng chuyên chở một chữ tình sâu nặng giữa người và người ở cuộc sống vô cùng đáng yêu hôm nay.
Đông tay vỗ…
Theo Đại đức Thích Tâm Hải, phần lớn các nhạc sĩ nghiệp dư như mình đều là tự học nhạc lý và mày mò sáng tác. Sau đó nhờ vào một vài nhạc sĩ chuyên nghiệp chỉnh lý lại, tiếp theo là soạn hòa âm, phối khí để có thể sản xuất ra các CD. Như vậy nếu như sắp tới dự án của tạp chí hình thành, sẽ có thêm một kênh giúp đưa các kỹ thuật sáng tác đến với lực lượng nhạc sĩ nghiệp dư ấy, chắc chắn sẽ giúp dòng nhạc theo tư tưởng nhà Phật đến với đời sống thường nhật tốt hơn, gần gũi hơn trong đón nhận ở cộng đồng.
Sự chia sẻ của cộng đồng ở đây từ các nhạc sĩ nghiệp dư như Đại đức Thích Tâm Hải, thật ra đã xuất hiện không ít trong đời sống. Nhạc tình của Trịnh Công Sơn lại cũng là một ví dụ. Trong sáng tác của nhạc sĩ họ Trịnh, do ảnh hưởng của quan niệm Phật giáo nên tình thương đối với con người rất sâu sắc, tấm lòng của con người đối với con người đã trở nên rất nhân hậu, bao dung. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” mà Trịnh Công Sơn đã viết, phải chăng đó là cái tâm theo quan niệm của Đạo Phật?.
Điều mà trong quan niệm nhà Phật tâm niệm và được thể hiện qua nhạc Trịnh là tình yêu thương dành cho con người. Đó chẳng phải là chiều sâu của tính nhân bản sao? Và phải chăng là lý do mà mỗi người trong chúng ta ai ai cũng từng cất tiếng hát hoặc thấy ngân nga trong hồn giai điệu của một Diễm xưa, Tình xa hay Một cõi đi về...

No comments: