Friday, August 27, 2010

TU LÀ CẦU BÌNH AN HAY SỬA ÐỔI XẤU THÀNH TỐT ?

TU LÀ CẦU BÌNH AN HAY SỬA ÐỔI XẤU THÀNH TỐT ?

Email In PDF.

H.T Thích Thanh Từ

Trong giới Phật tử chúng ta ngày nay đa số không hiểu rõ ý nghĩa chữ TU, nên ứng dụng sai lầm một cách đáng thương. Khi đến chùa xin qui y, họ thầm nghĩ từ đây về sau được Phật hộ độ cho mình khỏe mạnh, gia đình mình an ổn, mọi mong cầu được như ý, khi chết được Phật rước về cõi Phật... Chớ họ không hiểu rằng, kể từ ngày qui y Tam Bảo là tự mình quyết tâm chừa bỏ những thói hư tật xấu, mình quyết thắng mọi tâm niệm, hành động đê hèn ác độc của mình, và mình cố gắng tạo dựng đầy đủ phước lành để chết được sanh về cõi Phật. Họ đinh ninh trong lòng TU là nương tựa Tam Bảo, là van xin với Phật, là thỏa mãn mọi mong cầu, là an lành suốt cuộc đời..., nên trở thành yếu hèn ỷ lại, mất hết ý nghĩa chữ TU.

Bởi bản chất con người hầu hết là yếu hèn, sợ hãi, tham lam, nên bước chân vào đường tu, họ thích ỷ lại, van xin và mong cầu. Do đó làm biến thái tinh thần tu hành của người Phật tử.

YẾU HÈN - Phát xuất từ tư tưởng yếu hèn, nên khi qui y Tam Bảo, Phật tử này chỉ một bề trông cậy gởi gấm đời sống của mình và gia đình mình cho Phật, mọi việc đều nhờ Phật hộ độ khi sống được bình an, lúc chết được Phật rước về cõi Phật. Với tâm niệm này, Phật tử cứ tưởng tu là thường đi chùa lễ Phật, thường cúng dường, thường cầu nguyện là tròn bổn phận người tu. Những người này cung kính Phật như một vị thần hộ mạng, tưởng như Phật đủ quyền năng bảo hộ cho bản thân và gia đình họ suốt đời. Vì thế, khi bản thân hay gia đình xảy ra tai ách gì, họ tha thiết chí thành cầu Phật gia hộ cho tai qua nạn khỏi. Nếu cầu nguyện Phật không được kết quả, nghe ở đâu có cậu đồng hay bà bóng giỏi, hoặc ông thần nào linh thiêng cầu gì cũng được như nguyện, họ liền mang hương đèn đến đó cầu xin. Bởi đến với Phật bằng tâm ỷ lại, trông cậy, nên khi trông cậy không được toại nguyện thì họ bước sang nơi khác một cách dễ dàng.

SỢ HÃI - Khi gặp tai nạn, người ta không biết tìm nơi nào ẩn náu cho được an ổn, nghe ai giới thiệu qui y với Phật sẽ được bình an, họ liền đến xin qui y Tam Bảo. Họ cứ nghĩ qui y Phật sẽ được Phật che chở, cứu độ cho qua hết tai nạn. Vì thế, họ chỉ biết tu là van xin, cầu khẩn, chí thành khấn vái là tu. Mỗi đêm họ thắp hương lễ Phật, cầu nguyện Phật gia hộ cho họ được mọi thứ an bình. Trong gia đình khi có người bệnh, hoặc xảy ra tai nạn, họ thắp hương quì trước bàn Phật tha thiết van xin Phật cứu bệnh giải ách. Nếu van xin được kết quả tốt, họ tăng trưởng lòng tin Tam Bảo. Bằng trái lại, họ mất lòng tin Phật, vì Phật không linh ứng như sở cầu. Ðược nghe nơi nào linh thiêng xin gì được nấy , họ liền từ giã đạo Phật để sang nơi ấy cầu xin. Do họ đến với Phật bằng tâm niệm sợ hãi, nên đời tu của họ chỉ cầu được bình an. Nếu không được bình an, họ sẽ chạy tìm nơi khác để ẩn nấp.

THAM LAM - Do lòng tham sâu đậm, nên khi qui y Phật họ vẫn một bề mong cầu cho thỏa mãn lòng tham. Ðến chùa không phải để học đạo tu hành, mà để cầu xin. Chỉ cần cúng Phật một bó nhang, một dĩa quả, họ lại xin Phật đến trăm ngàn thứ. Nào là xin Phật cho gia đình bình an, xin cho con cái thi đậu, xin cho làm ăn phát tài, xin cho tai qua nạn khỏi, xin cho thân nhân quá cố được siêu sinh Tịnh Ðộ v.v. và v.v. Họ chi ra cúng Phật quá ít, mà họ xin lại quá nhiều. Nếu xin được như ý thì họ tinh tấn đi chùa, còn xin không được thì họ tìm chỗ nào linh thiêng hơn để đến cầu xin cho thỏa mãn.

Bởi những người Phật tử như thế đến với chùa, nên trong chùa mới có xin xăm bói quẻ, cúng sao cúng hạn, coi ngày lành ngày dữ... để thỏa mãn đòi hỏi của họ. Mặc dù gần đây Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi dẹp bỏ mê tín dị đoan, song thói quen của những Phật tử này vẫn chưa bỏ được. Nguyên nhân Phật giáo suy đồi phần lớn do những vị này mà ra. Là Phật tử mà họ không tin nhân quả, không hiểu Phật là gì, không biết tu như thế nào, làm sao không tạo thành những điều kiện u tối cho Phật giáo? Ðây là những tệ nạn do các Phật tử quan niệm tu Phật để "cầu được bình an".

Nếu người hiểu rõ "Tu là sửa đổi xấu xa thành hay tốt" thì không có quan niệm như trên. Mục đích họ đến qui y Tam Bảo cốt nương chánh pháp để tu hành trừ sạch bệnh tham sân si phiền não của mình. Phật thường dạy, Ngài "theo bệnh cho thuốc để trừ bệnh khổ cho chúng sanh". Nơi nội tâm chúng ta có bệnh gì thì Phật có thứ thuốc ấy để trị lành bệnh. Cho nên nói "chúng sanh có vô lượng phiền não, Phật có vô lượng pháp môn". Vì thế, tu là dùng Phật pháp chuyển hóa tâm niệm sai lầm, xấu xa, tội ác của chúng ta. Biết vậy thì tu là phải học hỏi giáo pháp và ứng dụng giáo pháp để trị lành những tâm bệnh của mình. Học hỏi giáo pháp là mở sáng con mắt trí tuệ, là đi lần trên con đường giác ngộ, tức là tu theo đạo Phật. Vì Phật là con người giác ngộ, đạo Phật là con đường tiến đến giác ngộ. Mọi khổ đau của chúng sanh do si mê tạo nên, muốn giải thoát khổ đau là phải giác ngộ. Tuy nhiên giác ngộ mức độ cao thấp khác nhau, tùy đó mà con người được bớt khổ hay hết khổ. Học hỏi giáo pháp là học Phật, ứng dụng giáo pháp để tu hành là tu Phật. Với tinh thần tu học này, chúng ta không tìm đâu thấy có ỷ lại, van xin, cầu cúng; mà thấy mỗi người trang bị sẵn ngọn đuốc trí tuệ của mình để mồi với ngọn đuốc chánh pháp của Phật. Những người này không có yếu hèn, sợ hãi, tham lam; mà lòng cương quyết, can đảm, kiên trì tự nỗ lực tu hành cho đến ngày giải thoát. Tham sân si là mục tiêu họ phải chiến đấu đến bao giờ tiêu diệt hết mới thôi. Bởi vậy một bước tiến tu là một niềm an lạc, càng tu khổ đau càng tan rã, như tuyết giá tan rã khi ánh mặt trời lên. Tiến tu như thế, có lý do gì thối tâm bỏ đạo, có duyên cớ nào phải lùi bước đi theo đường tà?

Ðược nhiều người tin Phật, chưa hẳn Phật giáo đã thịnh. Nếu tin theo lối ỷ lại, van xin, cầu cúng, dù có bao nhiêu triệu người, Phật giáo vẫn bị chìm trong u tối. Vì mê tín thì không giác, không giác thì có dính dáng gì với đạo Phật? Chúng ta thực tâm tu theo đạo Phật thì cố mở sáng con mắt trí tuệ, nhận chân những sự thật qua lời dạy của đức Phật. Như Phật dạy "các pháp là vô thường", chúng ta phải chiêm nghiệm lý này cho tường tận, thấu suốt tường tận chúng ta mới nếm được pháp vị "vô thường" của Phật ban cho. Ðạo lý "nhân quả" là nền tảng của Phật giáo, nếu chúng ta không suy tư cho thấu đáo thì lòng chánh tín khó phát sanh. Phật dạy "tin nhân quả là chánh tín", nếu chúng ta không chịu khó rà đi soát lại kỹ càng thì làm sao đủ lòng tin nhân quả. Bởi không tin nhân quả, chúng ta dễ sanh yếu hèn, sợ hãi, van xin rơi vào đường mê tín. Lý "nhân duyên" là chân lý của muôn pháp, nếu không nghiền ngẫm thật chín chắn, thật nhuần nhuyễn, chúng ta không thể hiểu nổi chỗ thâm áo của nó. Ðã không hiểu lý "nhân duyên" chúng ta làm sao thấy được chỗ cao siêu của Phật giáo mà sanh lòng tin kính?

Muốn hưởng được pháp vị một cách thấm thía nồng nàn, người Phật tử phải tận lực suy tư nghiền ngẫm chánh pháp thật tường tận tinh vi. Như muốn thưởng thức hương vị của thức ăn thật đầy đủ, người ta phải nhai thật nhuyễn những thức ăn ấy. Ðồng thời Phật tử phải ứng dụng triệt để chánh pháp trong cuộc sống hằng ngày. Mọi người ai cũng thừa nhận nơi nội tâm của mình đã sẵn có tính lương thiện và tính tội ác. Tội ác là nhân khổ đau cho mình và cho người, đời này và đời sau, nó làm cho con người trở thành hèn hạ xấu xa. Lương thiện là nhân an vui cho mình cho người, đời này và nhiều đời khác, nó gầy dựng cho con người trở thành bậc Hiền, Thánh. Nếu muốn hết khổ được vui, chúng ta phải dẹp bỏ tính tội ác, nuôi dưỡng tính lương thiện, chính đây là tu. Tu là điều kiện tất yếu của mọi người, không riêng ai và giới nào, nếu là người muốn hết khổ được vui và cố vươn lên bậc Hiền, Thánh.

Ước mong các Phật tử tự kiểm điểm lại xem, mình thuộc hạng nào trong hai hạng trên. Nếu là hạng đến với Phật để "cầu bình an" thì nên chuyển hướng can đảm vươn lên để thành Phật tử chân chánh, không thối chuyển trên đường đạo. Nếu là hạng đến với Phật để "sửa đổi xấu thành tốt" thì cố gắng hơn nữa để mọi xấu xa đều dứt sạch, mọi khổ đau đều tan biến, tự tại tiến thẳng trên đường giác ngộ. Toàn thể Phật tử đều là người chánh tín, biết ứng dụng chánh pháp chuyển hóa ba nghiệp của mình trở thành con người thuần thiện, thì Phật giáo mới thực sự là ngọn đuốc sáng soi đường cho chúng sanh ra khỏi đêm tối vô minh.

TÀI SẢN CỦA NGƯỜI HỌC PHẬT

KHÔNG TIỀN CỦA LÀ TÀI SẢN

Email In PDF.

Hòa thượng Tinh Vân - Đạt ma Chí Hải dịch

Mọi người đều cho rằng có nhiều tiền bạc, đất đai… là người có tài sản, giàu sang, phú quý, người không tiền của, không tài sản là nghèo khổ.Theo lý nhà Phật thì “Không coi tiền của là tài sản” mà tài sản của người con Phật phải là: Chánh kiến, Trí tuệ, Đức hạnh và niềm tin.

Vậy tài sản của người học Phật là gì ?

1- Chánh kiến là tài sản

Người ta có thể được nhiều tiền của, nhưng ít khi có được chánh kiến. Người xuất gia học đạo nếu không có chánh kiến thì cũng giống như người vào trong núi vàng rồi trở về tay không, vì thế nên bị coi là nghèo.Trong đạo Phật, chánh kiến là tài sản, là của cải và những ai thường sống trong chánh kiến thì được xem là giàu có.

Người có chánh kiến là người biết nhận định đúng đắn lời Phật dạy, có niềm tin chân chánh với Phật pháp, biết sống trong Tam pháp ấn, Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên, Nhân quả Nghiệp báo, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, biết thện ác, thánh phàm, tu học sinh hoạt trong Phật pháp đều là chánh kiến. Nếu có được chánh kiến này là có trong tay của báu rồi, không còn bị nghèo khổ nữa.

2- Trí tuệ là tài sản

Tài sản quý báu của con người chính là sống được với chân tánh của mình, nhận ra được chân tánh phải là người có trí tuệ lưu xuất từ bên trong, học Phật là để nhận ra trí vô sư ấy. Không có trí tuệ thì dù có làm nhiều điều phước thiện vẫn không thể khai ngộ thành Phật được. Tu phước mà không tu tuệ, như voi lớn đeo chuỗi ngọc, uổng đi một kiếp người, có phước báo nhân thiên mà không có trí tuệ cũng không thể giải thoát luân hồi.

Là những hàng giả tu Phật, đời sống dẫu nghèo khó mà luôn có trí tuệ thì vẫn hơn người sống trong vinh hoa phú quý mà thiếu ánh sáng Bát-nhã. Trí tuệ là từ nơi nghe mà thành trí, suy nghĩ mà thành tuệ. Suy nghĩ những điều đã nghe mà ứng dụng vào việc tu hành, nhờ đó có thề vào được Tam-ma-địa (Chánh địng Tam-muội), đạt được Bát-nhã chánh kiến.

3-Đức hạnh là tài sản

Trong đời sống sinh hoạt của người học Phật không thể thiếu phong cách và đạo đức. Là người tu, phải lấy từ bi nhân quả mà quán niệm, lấy nhẫn nại tử tế mà phát tâm tinh tấn phục vụ. Đó cũng là phẩm chất đạo đức của người xuất gia. Người xuất gia phải học tập Phật pháp thật nhiều.Trong đó “Nhẫn” là điều trọng yếu trong việc tu dưỡng than tâm. Nhẫn lúc nghèo hèn, đau khổ, nhẫn khi gặp đói khát, lạnh, nóng vẫn còn dễ dàng. Có khi trong sinh hoạt đời sống, ta gặp phải điều oan ức, bất bình khi bị phiền não nhiễu loạn, nhẫn nhục lúc này mới thật là khó khăn. Đức Phật dạy: “Ba A tăng kỳ tu phước huệ, trăm đại kiếp tu tướng lành. Muốn tướng tốt được viên mãn, trước tiên phải tu nhẫn”.

Nhẫn có thể tiêu tai trừ nạn

Nhẫn làm cho sự nghiệp thịnh vượng

Nhẫn làm tăng thêm giá trị tu hành

Nhẫn giúp ta mau chóng thành đạo.

Người xuất gia thọ giới rồi, muốn thành tựu đạo nghiệp, phải biết tích lũy công đức, trau dồi giới hạnh, theo các pháp tu truyền thống của Phật giáo như Tứ vô lượng tâm, Tứ nhiếp pháp, Lục độ Ba-la-mật….Tất cả pháp đó đều có thể đem lại sự an vui và là tài sản của người tu Phật.

4-Niềm tin là tài sản

Tín tâm là một trong Thất thánh tài-Tín tâm, Trì giới, Tàm, Quý, Văn, Thí ,Tuệ, đều là tài sản của chúng ta.Trong nhà Phật, niềm tin là cửa ngỏ của kho báu vô tận.Một phần tín tâm là một phần của cải, mười phần tín tâm là mười phần của cải. Biển Phật pháp rộng lớn, duy chỉ có tín tâm mới vào. Người học đạo cần phải có một niềm tin vững chắc, tuyệt đối như:

1. Tin Tam Bảo

2. Tin Tam pháp ấn, Tứ thánh đế

3. Tin thường trụ, tăng đoàn

4. Tin vào việc xuất gia tu học cho đến khi bằng Phật.

Trong cuộc sống đời thường, khi nghe những lời trái quấy, hoặc gặp những chuyện bất bình, niềm tin lúc này sẽ mất đi và sự tu hành sẽ không còn giá trị.

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tín là nguồn gốc của đạo, là mẹ của tất cả công đức”. Của cải vật chất ở thế gian dễ làm hủy hoại tín tâm, quyền uy thế lực luôn dọa dẫm, những thịnh tình hảo ý có thể mê hoặc v.v…Tất cả những điều đó sẽ làm cho chúng ta đánh mất niềm tin, coi như mất tài sản.Cho nên niềm tin là tài sản vô giá của người tu Phật.Trí huệ, chánh kiến, nhẫn nại, niềm tin tha thiết…là tài sản để trở thành người giàu có trong cửa Phật.

Lễ Vu Lan và Tự tứ 2010 - PL2554

Lễ Vu Lan và Tự tứ 2010 - PL2554

Email In PDF.

Sáng ngày rằm tháng 07 năm Canh Dần (nhằm ngày 24/07/2010). Hòa trong không khí nhộn nhịp của mùa Vu lan - Báo hiếu 2010 đang diễn ra khắp nơi trong cả nước, từ sáng sớm hơn 3 ngàn Phật tử từ các đạo tràng trực thuộc Thiền phái Trúc Lâm và Phật tử từ các địa phương lân cận, đã quy tu đông đủ về Thiền viện Thường Chiếu, cùng với Chư Tăng, Ni tại tự viện long trọng tổ chức Lễ Vu Lan và tham dự Lễ Tự tứ. Thời kinh Vu lan mở đấu cho các khóa lễ Bông Hồng Cài áo, cúng dường Pháp y. Quí Thầy trong Ban giáo thọ đã có thời giảng pháp về lòng hiếu thảo của người con đối với đấng sinh thành và tinh thần hiếu hạnh của người xuất gia trong cửa thiền môn.

Buổi trưa nhóm Phật tử An Hạnh cúng dường trai tăng và dâng hơn 1000 phần quà cúng dường Chư Tôn đức Tăng, Ni.

Nhân dịp này Hòa thượng Trụ trì cùng Quý Thầy đã tiến hành Lễ Quy y và truyền ngũ giới cho hơn 100 Phật tử về tham dự lễ Vu Lan.

Buổi chiều cùng ngày trên 1.000 Chư Tăng, Ni đang cấm túc an cư tại Thiền viện Thường Chiếu đã trang nghiêm tác Lễ tự tứ, hoàn mãn 3 tháng cư kiết hạ năm 2010 - PL 2554. Đại diện Chư Tăng, Ni đã báo cáo kết quả công phu tu học trong 3 tháng an cư. Hòa thượng Thích Nhật Quang trụ trì Thiền viện Thường Chiếu đã ban đạo từ sách tấn chư Tăng, Ni tiến tu. Tiếp nối tinh thần trong 3 tháng an cư mà tiếp tục giữ gìn đạo tâm, nỗ lực công phu tu tập không được biến trễ nhằm đạt được kết quả nhất định trên con đường tu học. Trong khônng khí trang nghiệm và thanh tịnh của ngày Tự tứ - Sư Cô Chơn Tâm cùng nhóm Phật tử Diệu Phương đã phát tâm cúng dường tứ sự cho tất cả chư Tăng, Ni trong mùa an cư năm nay tại thiền viện Thường Chiếu.

Một số hình ảnh Lễ Vu Lan - Tự tứ 2010 - PL 2554